NỘI DUNG CHÍNH

Dù chưa từng có cơ hội được gặp gỡ trực tiếp, chúng mình đã biết đến bác Đoàn Triệu Nhạn qua những tài liệu, sách vở về cây cà phê, những bài học in đậm dấu ấn từ người đi đầu trong ngành cà phê Việt Nam. Với tư cách là những người sáng tạo nội dung, chúng mình càng thêm thấu hiểu và kính trọng bác, không chỉ bởi kiến thức sâu rộng mà còn vì sự cống hiến phi thường suốt gần nửa thế kỷ cho sự phát triển và định vị cà phê Việt trên bản đồ thế giới.

Bài viết này được biên tập từ nguồn cảm hứng lớn lao mà bác mang lại, cùng với bài báo từ trang “Nông nghiệp Việt Nam” mang tựa đề “Người đưa cà phê Việt lên Bản đồ Thế giới“, nhằm tôn vinh những thành tựu vĩ đại trong cuộc đời của một con người đã gắn bó và cống hiến hết mình vì cây cà phê – người được quốc tế ưu ái gọi là “Mr. Coffee” của Việt Nam.

Qua câu chuyện của bác, chúng mình không chỉ muốn kể về một biểu tượng trong ngành cà phê, mà còn khắc họa hình ảnh một thế hệ người Việt Nam sẵn sàng dấn thân, cống hiến tất cả cho đất nước, để hôm nay, mỗi tách cà phê thơm lừng đều là minh chứng cho lòng tự hào dân tộc và sự bền bỉ của những con người như bác Đoàn Triệu Nhạn.


Nổi bật trên bức tường trong căn nhà tập thể cũ kỹ trên phố Hoàng Ngọc Phách (Hà Nội), người đàn ông vừa qua tuổi 90 hướng ánh mắt tinh anh lên bìa tạp chí “Tea and Coffee Trade Journal” xuất bản tháng 12 năm 1999. Tiêu đề nổi bật trên trang bìa: “Mr. Coffee – Doan Trieu Nhan – Ha Noi, Viet Nam – Who can doubt Mr. Coffee?“. Trong bài viết, bác được ca ngợi như biểu tượng quốc tế của cà phê Việt Nam, người đưa Việt Nam trở thành một cường quốc xuất khẩu cà phê.

“Trong cộng đồng cà phê quốc tế, Đoàn Triệu Nhạn được biết đến với biệt danh ‘Quý ông Cà phê’ của Việt Nam. Bác là người tiên phong đưa cà phê Việt Nam lên bản đồ thế giới, từ những ngày đầu gian khó đến khi Việt Nam trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu cà phê. Với vai trò Tổng Giám đốc Vinacafe và sau này là Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, bác Nhạn đã có mặt khắp các diễn đàn quốc tế, góp phần giành được sự công nhận toàn cầu cho cà phê Việt. Ảnh hưởng của Đoàn dường như có mặt khắp mọi nơi trong ngành kinh doanh cà phê ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác.” – Tạp chí nhận xét.

Thế hệ đi đầu vì đất nước

Câu chuyện của bác bắt đầu từ năm 1953, khi bác cùng 13 học sinh vùng kháng chiến, bao gồm cả bác Nguyễn Công Tạn (sau này là Phó Thủ tướng), được cử đi học tại Đại học Nông nghiệp Hoa Nam (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp, bác Nhạn được phân công công tác tại Viện Nghiên cứu Thực vật nhiệt đới Phủ Quỳ, rồi Vụ Trồng trọt và Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Nhưng phải đến năm 1980, khi ngành cà phê Việt Nam mới thành lập, bác mới thực sự bước vào hành trình gắn bó trọn đời với cây cà phê.

Thời điểm đó, Công ty Cà phê-Ca cao của Bộ Nông nghiệp ra đời với mục tiêu mở rộng diện tích trồng cà phê, hợp tác với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, kiến thức về cà phê ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, ngay cả các chuyên gia được đào tạo từ Trung Quốc cũng chỉ hiểu về khoa học đất và trồng trọt, chưa ai thực sự am hiểu về cây cà phê.

Trong bối cảnh đó, tháng 4 năm 1980, khi đang là Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, bác Nhạn nhận nhiệm vụ từ Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu: “Cậu đi trồng cà phê đi”.Mới đầu nghe còn tưởng là nhầm, nhưng vài ngày sau, bác đã lên đường đến Phủ Quỳ (Nghệ An) và Nha Trang (Khánh Hòa).

Dù không lương, không kinh phí, nhóm của bác vẫn thành lập được 4 nông trường quốc doanh, 1 trạm vật tư ở Nha Trang và xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm nghiệp Eakmat – tiền thân của Viện Nghiên cứu Cà phê ngày nay.

Cuối năm 1980, tại hội nghị phát triển cà phê ở Nha Trang do Phó Thủ tướng Võ Chí Công chủ trì, bác Nhạn trình bày chương trình phát triển cà phê với mục tiêu 180.000 ha và sản lượng hơn 200.000 tấn. Chương trình lập tức được chấp thuận, và trụ sở công ty được chuyển lên Đắk Lắk, chính thức đưa cà phê đến Tây Nguyên – nơi sau này trở thành thủ phủ cà phê của Việt Nam. Từ những điều kiện khắc nghiệt nhất, bác Nhạn cùng đồng đội đã đặt nền móng cho hành trình vĩ đại của cà phê Việt Nam.

Những cuộc cách mạng trong ngành cà phê

Khi đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Công ty Cà phê-Ca cao, bác Nhạn đã xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm đầu tiên cho ngành cà phê Việt Nam (1980-1985). Chỉ tiêu giai đoạn này là trồng mới 40.000 ha cà phê, đồng thời thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế. Đáng chú ý là việc ký kết Hiệp định Hợp tác cà phê Việt – Đức, cùng nỗ lực thành lập Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam. Với những thành tựu này, bác trở thành Tổng Giám đốc của Liên hiệp cà phê lớn mạnh nhất Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Ông Nhạn đã tiên phong tổ chức hội nghị cà phê nhân dân, khởi xướng phong trào phát triển cà phê trong các hộ gia đình. Kết quả là diện tích cà phê tăng vọt từ 40.000 ha lên hơn 200.000 ha, trong khi sản lượng xuất khẩu tăng từ vài nghìn tấn lên hơn 100.000 tấn chỉ trong vài năm.

Cuối thập niên 1980, Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam được thành lập và bác Nhạn trở thành Chủ tịch đầu tiên. Cùng thời điểm, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập tổ chức cà phê quốc tế ICO. Là một trong những đại diện tham dự hội đồng quốc tế tại London, bác đã thuyết phục thành công, giúp Việt Nam chính thức gia nhập ICO vào năm 1991. Đây là bước ngoặt lớn, mở ra chương mới cho ngành cà phê với khả năng trực tiếp xuất khẩu và xây dựng hệ thống giám định chất lượng.

Đầu thập niên 1990, ngành cà phê đối mặt với thử thách lớn khi các hiệp định hợp tác với Liên Xô và Đông Âu chấm dứt. Hệ thống quản lý hành chính bao cấp lạc hậu không còn phù hợp. Thời gian đầu, tình hình hết sức khó khăn: vườn cây thiếu phân bón, lao động không được trả lương, sản xuất xuống cấp trầm trọng.

Trong bối cảnh đó, bác Nhạn cùng các lãnh đạo đề xuất chuyển đổi mô hình sang cơ chế khoán. Công nhân nhận khoán vườn cây, tự đầu tư và chăm sóc, biến đổi rõ rệt bộ mặt sản xuất. “Tôi cùng Bộ trưởng về thăm vườn ở Ia Sao (Gia Lai), thấy các gia đình chăm sóc vườn cây, mang cả phân chuồng nhà mình ra bón. Kết quả là vườn cà phê xanh tốt, năng suất nâng cao. Lúc này, sức mạnh lao động tự giác của công nhân đã thay đổi toàn diện ngành sản xuất“, bác Nhạn nhớ lại.

Những cải cách này không chỉ cứu ngành cà phê khỏi khủng hoảng mà còn đưa toàn ngành bước vào thời kỳ phát triển bền vững, tạo nền tảng cho vị thế quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới như hiện nay.

Thành tựu đáng tự hào từ những năm tháng gian nan

Trong ký ức của “quý ông cà phê” Đoàn Triệu Nhạn, những năm tháng khó khăn lại chính là khoảng thời gian đẹp nhất. Bác cùng các đồng đội khai hoang mở đất, xây hồ đắp đập, biến những cánh rừng hoang thành đồi cà phê xanh mướt. Vùng cà phê do Liên hiệp quản lý dần phủ khắp Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, và cùng sự phát triển đó, các khu dân cư, thị trấn cũng mọc lên, ngày càng sầm uất.

Những địa danh như Ea Knốp hay thị trấn nông trường 719 không chỉ là biểu tượng sản xuất mà còn trở thành nơi ở hiện đại với bệnh viện, trường học và đường sá khang trang. Buôn Ma Thuột, từ nơi hoang vắng, đã trở thành trung tâm kinh tế nhộn nhịp nhờ sự lớn mạnh của ngành cà phê. Hưởng ứng lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngành cà phê cùng nhân dân Tây Nguyên biến nơi đây thành “vùng bốn mùa tươi”. Cà phê không chỉ làm giàu cho gia đình nông dân mà còn thay đổi diện mạo cả vùng, từ buôn làng nghèo khó đến phố thị trù phú.

Những Con Số Nói Lên Thành Công:

  • Năm 1986, diện tích cà phê cả nước mới đạt 65.000 ha, sản lượng 22.000 tấn. Đến năm 1990, diện tích tăng gấp đôi, sản lượng gấp 4 lần, đạt 92.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu vượt 50 triệu USD.
  • Thành công tiếp nối khi đến năm 1995, diện tích cà phê đạt 200.000 ha, sản lượng 245.000 tấn, xuất khẩu 222.000 tấn, thu về hơn 533 triệu USD. Đỉnh cao là giai đoạn 1995-2000 với diện tích tăng lên 530.000 ha, sản lượng trên 700.000 tấn, kim ngạch gần 700 triệu USD.
  • Đến năm 2023, cà phê Việt Nam đạt 710.000 ha, sản lượng 1,84 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 4,18 tỷ USD, khẳng định vị thế quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới.
Ban Me Thuot 1969-70 - Coffee plantation. DAVID STASZAK's Gallery
Nông trại cà phê tại Buôn Ma Thuột, khoảng năm 1970

Những danh hiệu cao quý

Huân chương Lao động và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới là những phần thưởng cao quý, ghi nhận đóng góp của bác Đoàn Triệu Nhạn cho ngành cà phê Việt Nam. Nhưng đối với bác, niềm vui lớn nhất là được chứng kiến sự khởi sắc của ngành cà phê và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của hàng vạn người nông dân gắn bó với cây cà phê.

Năm 1995, khi Tổng Công ty Cà phê Việt Nam được thành lập, bác đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từ đây, hành trình tái canh, phát triển cà phê chè ở Tây Bắc và xây dựng ngành hàng cà phê bền vững bắt đầu. Bác ví những nỗ lực này là “những thời khắc và quyết định lịch sử”, góp phần định hình thành tựu của ngành cà phê hiện tại.

Một dấu ấn quan trọng khác là chương trình tái canh khoảng 100.000 ha cà phê kém hiệu quả, đi cùng việc áp dụng các bộ quy tắc sản xuất bền vững như cà phê 4C (Common Code for the Coffee Community). Những nỗ lực này không chỉ trẻ hóa các vườn cà phê mà còn giúp chúng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Gần 20 năm trước, bác cùng các tổ chức như Cục Trồng trọt và IPSARD hỗ trợ triển khai Hiệp hội cà phê 4C tại Việt Nam, tiền thân của Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP). GCP đã đóng góp tích cực thông qua nhiều sáng kiến như mã số vùng trồng, tài liệu hướng dẫn sản xuất bền vững, tạo thảm phủ thực vật để giảm biến đổi khí hậu, và Sổ tay IPHM quản lý sức khỏe cây trồng.

Nhắc lại những câu chuyện xưa, ánh mắt bác Đoàn Triệu Nhạn ánh lên niềm tự hào, nhưng nụ cười vẫn giản dị và khiêm nhường như chính con người ông. “Với giá trị xuất khẩu hơn 4 tỷ đô la hiện nay, và quan trọng hơn là giá trị lao động từ bàn tay, khối óc và tâm hồn của người Việt, tôi tin rằng trong tương lai, cà phê Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa,” bác nói.

Nụ cười mãn nguyện ấy không chỉ là biểu tượng của một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho cây cà phê, mà còn là lời nhắn nhủ về niềm tin vào thế hệ tương lai. Cũng giống như một tách cà phê Việt đậm đà, sự cống hiến của bác để lại dư vị ngọt ngào, đầy cảm hứng trong lòng những người yêu mến cà phê. Và với chúng mình, bác không chỉ là “Mr. Coffee” của Việt Nam, mà còn là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, luôn nhắc nhở chúng mình tiếp tục nỗ lực để giữ vững và lan tỏa giá trị của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.


  • Bạn có thể xem bài đăng gốc trên báo Ngông nghiệp Việt Nam – được thực hiện bởi PV: Hoàng Anh, Thiết kế: Trương Khánh Thiện; Ảnh:Hoàng Anh. Các minh họa trong bài này được thực hiện bởi PrimeCoffee.

/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Picture of Prime Magazine
Prime Magazine

Bạn đang xem Prime Magazine - Chuyên mục bài viết được đầu tư chuyên sâu về nội dung và hình ảnh, với giao diện tối giản giúp nâng cao trải nghiệm đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

/ ĐÁNG CHÚ Ý /
Bộ ba biến số Espresso Tỷ lệ, Thời gian & cỡ Xay
Espresso

Bộ ba biến số Espresso: Tỷ lệ, Thời gian & cỡ Xay

Trong các quán cà phê trên khắp thế giới, một trong những thách thức phổ biến nhất mà barista gặp phải là duy trì sự ổn định trong chiết xuất espresso suốt cả ngày. Việc xây dựng công thức ổn

From Farm to Cup Khi nhà rang bước vào nghề nông
Prime Magazine

From Farm to Cup: Khi nhà rang bước vào nghề nông

Việc mua cà phê chất lượng cao từng không phải là vấn đề đối với các nhà rang xay. Khi thị trường ít đối thủ cạnh tranh và có nhiều nhà sản xuất sẵn sàng tìm kiếm người mua, nguy

Hoạt độ nước và chất lượng cà phê nhân xanh
Khoa học

Hoạt độ nước và chất lượng cà phê nhân xanh

Việc kiểm soát độ ẩm trong cà phê xanh từ lâu đã được xem là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng hạt. Quá trình sấy khô không đúng cách có thể gây ra nhiều lỗi nghiêm trọng,

Farmwashing – Mặt trái của tiếp thị cà phê đặc sản
Prime Magazine

Farmwashing – Mặt trái của tiếp thị cà phê đặc sản

Trong những năm gần đây, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm và mong muốn kết nối sâu sắc hơn với người nông dân đứng sau sản phẩm họ sử dụng. Điều này đặc biệt

Tìm kiếm