Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam - Prime Coffee
NỘI DUNG CHÍNH

Năm 2020, Việt Nam sản xuất hơn 1,7 triệu kilôgam cà phê, chiếm 16% sản lượng toàn cầu¹. Trong khi câu chuyện về việc Việt Nam trở thành một gã khổng lồ trên thị trường cà phê quốc tế đã được nghiên cứu và ghi chép rộng rãi, thì câu chuyện về việc những hạt cà phê đầu tiên được gieo trồng trên đất nước thường bị bỏ qua²⁻³. Vì vậy, bài viết này được thực hiện nhằm tìm về nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam để lấp đầy khoảng trống đó, đồng thời làm nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai.

Bài viết chuyên sâu này được thực hiện bởi tác giả Dat Nguyen từ trang datn.substack.com. Với sự tỉ mỉ trong việc khai thác thông tin lịch sử và hiểu biết sâu rộng, Dat Nguyen đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc và quá trình phát triển của cà phê tại ba khu vực hành chính khác nhau ở Việt Nam. Đây là một bài viết mà chúng mình tin rằng sẽ mang lại nhiều giá trị cho những ai quan tâm đến lịch sử và văn hóa cà phê Việt Nam. Trân trọng cảm ơn Dat Nguyen đã cho phép chúng mình chia sẻ lại bài viết này.

Mặc dù tác giả Dat Nguyen và chúng mình đã nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn trọng trong việc tìm kiếm và phân tích các tài liệu lịch sử, cần lưu ý rằng lịch sử – đặc biệt là những sự kiện đã diễn ra từ lâu, luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn trong việc xác minh chính xác 100%. Do đó, các thông tin trong bài viết này, dù rất có giá trị, có thể không hoàn toàn chính xác hoặc đầy đủ. Độc giả nên cân nhắc kỹ lưỡng và kiểm tra các nguồn khác khi sử dụng nội dung này cho mục đích nghiên cứu học thuật hoặc các công việc chuyên sâu khác.

Canh tác cà phê ở Việt Nam

Cũng như ở các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu khác, cây cà phê không có nguồn gốc từ Việt Nam. Tại đây, lịch sử của cà phê gắn liền với thời kỳ thực dân châu Âu đầy cay đắng. Vào thế kỷ 19, các cường quốc châu Âu bắt đầu khám phá, xâm chiếm và khai thác các vùng đất trên khắp thế giới. Họ sử dụng sức mạnh của mình để áp đặt lao động giá rẻ tại những vùng đất xa lạ, nhằm sản xuất các mặt hàng có giá trị cho thương mại quốc tế và đáp ứng nhu cầu nội địa nhỏ hơn rất nhiều. Vì vậy, các nước thực dân thường mang theo các giống cây trồng ưa chuộng đến những vùng đất mà họ chiếm đóng để thử nghiệm và khai thác tiềm năng. Trong trường hợp này, người Pháp đã thiết lập chính quyền thuộc địa tại Việt Nam, và cà phê là một trong những loại cây được họ du nhập nhằm khai thác lợi ích kinh tế⁴.

Cây cà phê trên đồn điền Cressonnière, Bắc Kỳ, Việt Nam (1898) | Nguồn: Gallica

Sau cuộc chiến chống pháp đầu tiên (1858-1884) với Hiệp ước Hác-măng, triều đình Huế chính thức thừa nhận nền bảo hộ của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Chính quyền thực dân Pháp đã chia Việt Nam thành ba kỳ, cụ thể là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, mỗi kỳ có chế độ cai trị khác nhau. Pháp tiến hành xây dựng và củng cố bộ máy cai trị thuộc địa ở Việt Nam.

Sau khi thiết lập chế độ thuộc địa, người Pháp gọi miền Bắc của Việt Nam là Tonkin, miền Nam là Cochinchine, Trung Kỳ là Annam. Người Pháp thiết lập quyền kiểm soát của họ ở các kỳ khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Do đó, hạt giống cà phê đã đến với đất nước theo những con đường và mốc thời gian khác nhau – vẽ nên những câu chuyện lịch sử khác nhau.

Trồng Cà Phê ở Bắc Kỳ (~1886)

Để thiết lập chính quyền thuộc địa ở Miền Bắc, người Pháp cần một người có kiến thức sâu rộng nhưng vẫn tin tưởng vào chính sách thuộc địa để quản lý vùng đất rộng lớn và xa lạ này. Các yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với Paul Bert – một chính trị gia cực tả đồng thời là một giáo sư sinh lý học xuất sắc. Ông được biết đến là giáo sư trẻ nhất của Pháp ở tuổi 33 và cho những nghiên cứu khoa học đáng chú ý. Tuy nhiên, Paul Bert cũng nổi tiếng với việc xuất bản các cuốn sách mang tính dân tộc chủ nghĩa với những tuyên bố như:

Người da đen có làn da đen, tóc xoăn như len, hàm nhô ra, mũi nổi bật, họ kém thông minh hơn người Trung Quốc, và đặc biệt là kém hơn người da trắng.⁵

Paul bert – La Deuxième année d’enseignement scientifique, 1896

Mặc dù tuyên bố của ông bị coi là phân biệt chủng tộc ngày nay, nhưng Paul Bert là người mà chính phủ Pháp cần ở Bắc Kỳ vào thời điểm đó. Vào ngày 8 tháng 4 năm 1886, Paul đã đến Hà Nội để chính thức nhận vai trò Toàn quyền Lưỡng kỳ (Bắc và Trung Kỳ)⁶.

Để thực hiện sứ mệnh mở rộng thuộc địa, Paul Bert đã tìm kiếm một nhà thực vật học có kinh nghiệm để nghiên cứu và sưu tầm các loài thực vật ở Bắc Kỳ, đặc biệt là ở dãy núi Ba Vì. Ông đã mời Benjamin Balansa – một nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp, đến Việt Nam với mục đích này. Vào thời điểm đó, Benjamin đã từng khám phá sự đa dạng thực vật của Bắc Phi và Nam Mỹ và đang tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới⁴. Hai người đã cùng nhau tiến hành các cuộc khảo sát, thu thập mẫu vật thực vật và nghiên cứu các điều kiện tự nhiên để tìm ra những loại cây trồng phù hợp với khí hậu và đất đai của Bắc Kỳ.

Paul Bert (1833-1886) | Ảnh Wikipedia

Sau khi đến Việt Nam vào tháng 4 năm 1886, Benjamin đã dành nhiều tháng để nghiên cứu thực vật học của Bắc Kỳ bằng cách tự khám phá hoặc trao đổi với các nhà thực vật học đã có mặt ở đó trước ông. Trong một bức thư gửi tới các đồng nghiệp vào năm 1887, ông đã viết:

… Thực vật của đất nước này thực sự không thể khai thác hết được; tôi đã khám phá núi Ba Vì hơn một năm và vẫn còn rất nhiều điều chưa được phát hiện. Trong tất cả những chuyến đi trước đây, tôi chưa từng thấy sự đa dạng như vậy. Trên một diện tích tương đương, Bắc Kỳ chắc chắn là vùng đất có hệ thực vật phong phú nhất, đặc biệt là khi xét đến độ cao thấp của các ngọn núi. Đây là một đất nước xinh đẹp ….

Benjnamin – C. Paul Bert Au Tonkin, 1887

Một trong những thành quả đáng chú ý của sự hợp tác này là việc du nhập cây cà phê vào Bắc Kỳ. Theo một số tài liệu, Benjamin Balansa là người đầu tiên mang cây cà phê từ Java (Indonesia) về trồng thử nghiệm trên núi Ba Vì theo yêu cầu của Paul Bert. Trong khi Benjamin trở về với những hạt giống cà phê Arabica lịch sử mà chính ông cũng không ngờ đến, thì Paul Bert đã qua đời vì bệnh kiết lỵ. Tuy nhiên, kế hoạch trồng trọt vẫn được tiếp tục⁴.

Đồn điền cà phê ở Créssonière (Khu vực Hà Nam ngày nay), 1898 | Nguồn: Gallica

Dựa trên các tài liệu thu thập được, vào khoảng năm 1886 – 1887, anh em nhà Marius Borel là những người đầu tiên trồng cà phê ở Bắc Kỳ, dưới chân núi Ba Vì, Sơn Tây. Sau đó, các nông dân khác ở khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng bắt đầu trồng cà phê. Năm tiếp theo, vì được chăm sóc rất cẩn thận, cây cà phê không chỉ định cư trên đất mới mà còn phát triển rất tốt. Nhờ sự chăm sóc này, đến năm 1924, cà phê đã phủ kín hàng nghìn hecta trên khắp Bắc Kỳ.

Anh em nhà Marius Borel là những nhân vật quan trọng trong lịch sử phát triển ngành cà phê Việt Nam được biết đến như những điền chủ Pháp đã đóng góp lớn vào việc biến vùng đất Ba Vì trở thành một trong những vùng trồng cà phê nổi tiếng nhất ở Bắc Kỳ. Riêng đồn điền nằm sát chân núi Ba Vì được xây dựng năm 1916, trong 8 năm Marius Borel đã phát triển nơi này thành một đồn điền kiểu mẫu mà người Pháp thời đó gọi là “đồn điền cà phê lộng lẫy” đẹp nhất Bắc Kỳ.

Phú Thọ - Vườn ươm cà phê.
Vườn ươm cà phê ở Phú Thọ, khoảng năm 1920-1929 | Nguồn: manhhai

Trồng cà phê ở Nam Kỳ (1860-70)

Như đã đề cập trước đó, các đồn điền cà phê có liên quan chặt chẽ đến sự hiện diện của quân đội Pháp tại Việt Nam. Nam Kỳ là vùng đất đầu tiên mà triều đại nhà Nguyễn phải nhượng quyền kiểm soát cho Pháp, một phần vào năm 1862 và hoàn toàn vào năm 1874.

Trong khi quá trình du nhập cà phê vào Bắc Kỳ được ghi chép đầy đủ với tên địa điểm cụ thể, thì câu chuyện về cây cà phê tại Nam Kỳ lại không được rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm hiểu nguồn gốc của nó thông qua các tài liệu được công bố cách đây hơn một thế kỷ, hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp – Gallica (BnF). Các trích đoạn từ các báo cáo thường niên của các tỉnh thành, nhật ký của những nhà thám hiểm và hiện vật còn lưu lại cho thấy rằng cà phê đã được trồng trên khắp Nam Kỳ sớm hơn một thập kỷ so với Bắc Kỳ.

Niên giám Nam Kỳ từ năm 1865 đến 1888 là một nguồn tài liệu quan trọng. Niên giám ghi lại mọi thông tin về chính quyền Pháp ở Nam Kỳ, từ nhân sự trong các lĩnh vực hành chính và thương mại, cho đến chi phí tài chính của tỉnh, dữ liệu dân số, và số liệu thống kê xuất nhập khẩu.

Niên giám Nam Kỳ thuộc Pháp, bản năm 1874, trang 0-129 | Nguồn: Gallica

Trong các niên giám cũ nhất trên Gallica, xuất bản trong giai đoạn 1870 và 1871, khi tìm kiếm từ khóa “café”, chúng ta thấy có ghi nhận việc nhập khẩu 1.272 bao cà phê vào Cochinchine, có 8 quán cà phê trên khắp Sài Gòn, và một đề xuất trồng cà phê, ca cao, hoặc quinquina (hay còn gọi là Canh ki na – dùng làm thuốc để chữa bệnh sốt rét) trên các vùng đồi ở Hà Tiên, Kiên Giang. Cần lưu ý rằng Hà Tiên là tỉnh xa nhất về phía Tây Sài Gòn – bao gồm cả đảo Phú Quốc (thời kỳ trước năm 1956). Đến năm 1874, không có diện tích đất nào trong số 7 triệu ha ở Nam Kỳ được ghi nhận là để trồng cà phê. Tuy nhiên, có hai cá nhân – ông Agaisse sống ở Mỹ Hội, Đồng Tháp, và ông Blanchy ở Châu Thới, Bình Dương – đã được ghi nhận trong niên giám với nghề nghiệp là “trồng cà phê”.

Từ những thông tin này, chúng ta có hai giả thuyết cần làm rõ: (1) số liệu thống kê chính thức về các đồn điền cà phê ở Nam Kỳ có thể bắt đầu từ năm 1874 trở đi, và (2) các thử nghiệm trồng cà phê có thể đã được thực hiện ở Hà Tiên trước năm 1870. Những manh mối này dẫn chúng ta đến một nguồn thông tin khác – nhật ký của những nhà thám hiểm.

Nhật ký cá nhân thường bị xem là không đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu thiết lập thuộc địa, nhiều người Pháp – gồm công chức và doanh nhân từ chính quốc đến Việt Nam – đã viết nhật ký để ghi lại những quan sát của họ về vùng đất mới. Họ kết nối những quan sát này với kiến thức khoa học sẵn có, và sau đó tổng hợp thành các báo cáo chi tiết. Những nghiên cứu này được xem là tài liệu quan trọng để chính phủ Pháp tiến hành kế hoạch thuộc địa hóa. Trong số nhiều tài liệu, hai bài báo được đánh giá là hữu ích cho cuộc điều tra về tình trạng của Nam Kỳ trước năm 1874: (1) “Voyage en Cochinchine pendant Les années 1872-73-74″ của bác sĩ và nhà thám hiểm Albert Morice, và (2) “La Cochinchine Française” của J.-P. Salenave, một thương nhân người Pháp ở Sài Gòn.

Một đoạn trích Du hành tới Nam Kỳ những năm 1872-73-74 / của Albert Morice đã ghi lại rằng “một đồn điền cà phê rộng lớn” đã thiết lập ở Tây Ninh vào năm 1874¹⁵. Và bởi vì việc trồng cà phê cần ít nhất 3 đến 4 năm để ra quả, điều này cho thấy việc canh tác bắt đầu vào khoảng năm 1870-1871. Điều này xác nhận giả thuyết trước đó về sự thiếu hụt số liệu thống kê chính thức, vì những vùng đất trồng cà phê này chỉ được báo cáo lần đầu tiên trên niên giám vào năm 1878¹⁶.

Mặt khác, một số đoạn trích từ Nam Kỳ thuộc Pháp của J.-P. Salenave vào năm 1873 đã giúp làm sáng tỏ hơn về việc trồng cà phê ở Hà Tiên trước năm 1870. Trước hết, ông nhận xét rằng: “đất của Phú Quốc có đặc điểm tương tự nhất với đất ở Manila và Java, và những cây cà phê từ Java được nhập khẩu vào Cochinchine đã phát triển hoàn hảo và tạo ra những sản phẩm xuất sắc

Quán Café de la Musique, nằm ở góc đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi) và đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi). Bưu thiếp được gửi vào ngày 15 tháng 2 năm 1906.

Salenave có thể không phải là một chuyên gia về đất, nhưng ông đã nêu ra một quan điểm quan trọng về việc trồng cà phê đang diễn ra ở Phú Quốc vào thời điểm đó¹⁷. Cũng trong tài liệu này, ông đã trình bày số liệu thống kê về xuất khẩu nông sản của Cochinchine mà ông thu thập được vào năm 1867 và 1870. Tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng gấp đôi từ 33 triệu franc lên 66 triệu franc trong vòng bốn năm, cho thấy giá trị khai thác thuộc địa trên những vùng đất ngoại quốc. Cà phê lần đầu tiên được xuất khẩu từ Cochinchine vào năm 1870, thay vì phải vào năm 1867.

Dựa trên thông tin này, giả thuyết của về nguồn gốc của đồn điền cà phê ở Cochinchine là: (1) cà phê được trồng lần đầu tiên vào năm 1867 và cần khoảng 4 năm sau để cho ra sản lượng, hoặc (2) một vài năm trước năm 1867 với việc cà phê chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Dù sao đi nữa, có thể kết luận hợp lý rằng hạt cà phê lần đầu tiên được trồng ở Cochinchine bởi những người định cư Pháp từ đầu đến giữa những năm 1860.

Trồng cà phê ở An Nam (~1856)

Trong khi nguồn gốc của các đồn điền cà phê ở Nam Kỳ bị che giấu sau nhiều lớp tài liệu lưu trữ, câu chuyện về cà phê ở An Nam cũng mơ hồ nhưng đơn giản hơn nhiều. Trong một chuyến đi nghiên cứu về các loại cây trồng ở An Nam vào năm 1914, Phó Thanh tra Dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại H. Gilbert đã báo cáo về việc trồng rộng rãi cây Coffea Arabica ở Quảng Trị, đồng thời đề cập rằng bão và loài sâu đục quả cà phê (Hypothenemus hampei) là kẻ thù lớn nhất của cây cà phê ở đây.

QUANG TRI - Triage du café - Phân loại cà phê
Phân loại cà phê ở Quảng trị, khoảng năm 1920-1929 | Nguồn: manhhai

Tuy nhiên, Gilbert cũng chỉ ra một báo cáo dựa trên trí nhớ của Phó Tổng đốc (hoặc Phó Khâm sứ dân) Quảng Bình vào thời điểm đó rằng: một linh mục châu Âu đã mang hạt giống cà phê đến và bắt đầu canh tác ở đây vào khoảng những năm 1860. Do đó, việc trồng cà phê ở An Nam có thể đã bắt đầu sớm nhất vào năm 1856, khi nhà truyền giáo người Pháp đầu tiên đến tìm kiếm tín đồ từ đất nước này, hoặc muộn nhất là vào năm 1867.

Kết luận

Việt Nam hiện là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, mặc dù cách đây 200 năm cà phê chưa phải là cây trồng bản địa. Vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã mang hạt cà phê đến đây như một phần của tham vọng thuộc địa hóa của họ. Vì lãnh thổ của Việt Nam khi đó chưa được quản lý thống nhất như ngày nay, nên cường quốc châu Âu này đã nắm quyền kiểm soát các khu vực hành chính khác nhau trước khi thiết lập hệ thống thuộc địa trên toàn bộ lãnh thổ từ năm 1862 đến 1874.

Dựa trên các tài liệu lưu trữ, có thể thấy rõ ràng rằng hạt cà phê đã được đưa đến ba khu vực hành chính khác nhau vào ba thời điểm khác nhau. Do đó, nguồn gốc của các đồn điền cà phê ở Việt Nam không phải là một câu chuyện đơn lẻ như từng được kể. Theo thứ tự thời gian, hạt cà phê đã được mang đến An Nam (Miền Trung) và Nam Kỳ (Miền Nam) vào khoảng những năm 1860. Một do một linh mục châu Âu mang đến, và một do những người Pháp định cư không rõ tên tuổi. Gần 30 năm sau, vào năm 1887, cây cà phê mới lần đầu tiên được giới thiệu và thử nghiệm rộng rãi ở Bắc Kỳ.


Nguồn tham khảo (từ tác giả)

/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Picture of Prime Master
Prime Master

Bạn đang xem PrimeMaster - Chuyên mục bài viết được đầu tư chuyên sâu về nội dung và hình ảnh, với giao diện tối giản giúp nâng cao trải nghiệm đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

/ BÀI VIẾT TƯƠNG TỰ /
Lịch sử Phin Cà phê Việt Nam - PrimeCoffee

Lịch sử Phin cà phê

Phin cà phê, một biểu tượng của văn hóa cà phê Việt Nam, đã tồn tại và phát triển qua hơn một thế kỷ. Được du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp trong thời kỳ thuộc địa, đây không

/ ĐÁNG CHÚ Ý /