Canh tác 11: Phân bón cho cây cà phê - Prime Coffee
NỘI DUNG CHÍNH

Mục đích của việc hiểu về nhu cầu dinh dưỡng đối với cây cà phê là để cung cấp cho cây đúng các chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ thích hợp, đủ về số lượng, bón đúng cách, thời gian bón phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cây. Bón phân cân đối là cơ sở đảm bảo cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và giảm ảnh hưởng xấu cho môi trường.

San Ramon, Nicaragua

Bài đăng này nhằm nêu tổng quan về nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu đối với cây cà phê, không nhằm kêu gọi việc sử dụng phân bón trong canh tác cà phê. Để có thể ứng dụng vào sản xuất bạn cần tham khảo các chuyên gia nông nghiệp tại địa phương hoặc tìm hiểu rõ hơn vai trò của phân bón & phương pháp bón phân trong Bộ tài liệu Hướng dẫn Sản xuất Cà phê bền vững, được biên soạn bởi Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.

Cơ sở khoa học của việc bón phân cân đối

Có hai cơ sở chính để cân đối lượng phân bón cho phù hợp:

  • Căn cứ vào lượng chất dinh dưỡng cây lấy đi từ đất: Trong suốt chu kì sinh trưởng, phát triển của cây. Việc ước lượng năng suất vườn cà phê đạt được là cần thiết để làm cơ sở tính toán lượng phân bón hợp lý.
  • Căn cứ vào lượng chất dinh dưỡng dự trữ sẵn có trong đất (độ phì đất): Phân tích đất để đánh giá độ phì nhiêu của đất giúp tính toán, xác định lượng phân bón cung cấp cho cây cà phê theo năng suất thu hoạch. Đây là một biện pháp kỹ thuật để định lượng phân theo cơ sở khoa học nhằm sử dụng phân bón một cách hiệu quả cao.

Khuyến cáo bón phân dựa vào phân tích đất và năng suất dự kiến

Hàm lượng dinh dưỡng trong đất
Đất bazanĐất xám
Đạm (N%)kg N/ha/nămkg N/ha/năm
< 0,10300 – 330250 – 300
0,10 – 0,25220 – 300200 – 250
> 0,25150 – 220160 – 200
Lân dễ tiêu (mg P2O5/100g đất)kg P2O5/ha/nămkg P2O5/ha/năm
< 3,0100 – 120130 – 150
3,0 – 6,060 – 100100 – 130
>6,040 – 6070 – 100
Kali dễ tiêu (mg K₂O/100g đất)kg K₂O/ha/nămkg K₂O/ha/năm
< 10,0240 – 300230 – 280
10,0 – 25,0180 – 240170 – 230
> 25,0150 – 180140 – 170

Nguồn: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI). Lượng phân nguyên chất như trên được tính cho năng suất 3 – 4 tấn nhân/ha đối với đất bazan và 2,5 – 3,5 tấn nhân/ha đối với đất xám

  • Căn cứ vào tình trạng dinh dưỡng của cây: Chẩn đoán dinh dưỡng trên lá giúp theo dõi tình trạng dinh dưỡng của cây vào những thời điểm nhất định để bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Lấy mẫu lá và phân tích giúp xác định hàm lượng các chất dinh dưỡng trong lá. Phương pháp này phản ánh chính xác nhu cầu về dinh dưỡng vì nó biểu thị những gì cây cà phê hấp thu được.
  • Dựa trên thí nghiệm đồng ruộng: Một phương pháp rất phổ biến được áp dụng để xây dựng qui trình bón phân cho cây trồng là thí nghiệm đồng ruộng. Biện pháp này không quá phức tạp, tuy nhiên cần phải làm nhiều thí nghiệm và lặp lại theo không gian cũng như thời gian.

Phân hữu cơ cho cây cà phê

Ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây (đa, trung và vi lượng) giúp tăng năng suất cây trồng. Thì việc sử dụng phân hữu có có thể mang đến nhiều lợi ích bổ sung như: Cải thiện độ phì nhiêu của đất (lý và hóa tính); Cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong đất, kìm hãm tác hại của các vi sinh vật gây hại từ đất như nấm, tuyến trùng…; Giữ ẩm cho đất; Hạn chế xói mòn và rửa trôi đất; Tăng hiệu quả của phân hóa học và tăng hiệu quả sử dụng nước của cây cà phê.

San Ramon, Nicaragua 2016

Phân hữu cơ góp phần vào độ phì nhiêu của đất bằng cách bổ sung chất hữu cơ và chất dinh dưỡng, chẳng hạn như nitơ, được vi khuẩn, nấm và các sinh vật khác trong đất sử dụng. Sau đó, các sinh vật bậc cao ăn các loại nấm và vi khuẩn trong chuỗi thức ăn tạo nên mạng lưới thức ăn trong đất.

Các loại phân hữu cơ thường sử dụng cho cà phê

Phân chuồng: Là loại phân hữu cơ chủ đạo dùng để bón cho cà phê. Đây là loại phân rất quý không những làm tăng năng suất cà phê từ 5 – 20% mà còn làm tăng hệ số sử dụng phân hóa học, hệ số sử dụng nước tưới, cải thiện độ phì nhiêu của đất (về lý tính, hóa tính và sinh học). Phân chuồng được ủ thường có hàm lượng các chất dinh dưỡng dễ tiêu trong phân cao hơn các loại phân súc vật không được ủ hay ủ không được che đậy. Ủ phân còn có ưu điểm là nhiệt độ nóng trong đống phân sẽ diệt chết nhiều loại hạt cỏ và ngăn ngừa một số mầm bệnh truyền nhiễm có trong phân.

Phân xanh và các tàn dư thực vật trên đất: Gồm thân lá các loại cây mọc hoang dại như cúc quỳ, cây cỏ Lào (cây bốp bốp, cây cộng sản), đặc biệt là thân lá các loại cây họ đậu. Cây phân xanh họ đậu không những có ý nghĩa to lớn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây cà phê thông qua vòng tuần hoàn sinh học bởi năng suất chất xanh rất lớn mà còn có tác dụng cải tạo đất, chống xói mòn do mưa và do gió. Các loại cây phân xanh họ đậu thường dùng phổ biến như muồng hoa vàng lá tròn (Crotalaria striata), muồng lá dài (Crotalaria usaramoensis)…

Tuma La Dalia, Nicaragua 2016

Tàn dư thực vật trên vùng trồng cà phê bao gồm các loại cỏ dại, cành lá rụng của cà phê là những nguyên liệu hữu cơ có thể bón cho cà phê hàng năm thông qua kỹ thuật ép xanh. Ép xanh tàn dư thực vật trên lô cà phê là hình thức bón phân hữu cơ cho đất và góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Phân hữu cơ sinh học từ than bùn: Đa số các loại than bùn dùng làm phân bón ngay thì hiệu quả không cao vì chất dinh dưỡng đạm ở dạng hữu cơ, hàm lượng lân, kali dễ tiêu thấp và than bùn có phản ứng chua, ngoài ra trong than bùn có chứa 1 hợp chất bitum khó phân giải, chứa một số các chất có thể gây độc như H2S, CH4, Fe, Al. Do vậy than bùn cần được chế biến đúng cách để biến các chất khó tiêu thành dễ tiêu, khử các chất độc để biến than bùn thành loại phân hữu cơ tốt cho cây trồng. Ngày nay do tiến bộ của khoa học công nghệ về sản xuất phân hữu cơ nên than bùn đã được dùng là nguyên liệu nền cơ bản cho việc sản xuất các loại phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng…

Quy trình chung chế biến than bùn thành phân hữu cơ:

Than bùn → Xử lý bitum → Ủ (chế phẩm sinh học) → Phân hữu cơ sinh học

Phân hữu cơ từ vỏ quả cà phê: Vỏ quả cà phê có hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao, có thể dùng làm phân bón rất tốt. Tuy vậy do hàm lượng C/N cao nên nếu để tự nhiên sẽ lâu hoai mục. Ngoài ra nếu đem bón trực tiếp cho cây trồng, quá trình phân hủy sẽ có sự hoạt động mạnh mẽ của vi sinh vật, cạnh tranh tạm thời dinh dưỡng với cây trồng. Để tăng nhanh quá trình hoai mục, vỏ quả cà phê cũng cần được ủ chung với phân chuồng và các chế phẩm sinh học.

San Ramon, Nicaragua 2016

Quy trình chung chế biến phân hữu cơ từ quả cà phê:

Vỏ cà phê → Xử lý (chế phẩm sinh học) → Ủ → Phân hữu cơ sinh học

Kỹ thuật bón phân hữu cơ

Tùy thuộc vào hàm lượng hữu cơ trong đất. WASI khuyến cáo chu kỳ bón phân hữu cơ cho cà phê như sau:

Chu kỳ bón phân hữu cơ dựa theo hàm lượng hữu cơ trong đất

Hàm lượng hữu cơ trong đất (%)Chu kỳ bón (năm/lần)
< 2,51 -2
2,5 – 3,52 – 3
> 3,53 – 4
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), 2005

Liều lượng: Đối với phân chuồng, lượng bón từ 15 – 20 tấn/ha; đối với các loại phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh bón từ 3000 – 4000 kg/ha.

Phương pháp bón: Phân hữu cơ được bón theo rãnh vào đầu hay giữa mùa mưa, rãnh được đào dọc theo thành bồn rộng 20 cm, sâu 15 – 20 cm, sau khi bón phân cần lấp đất lại. Lần bón sau rãnh được đào theo hướng khác và luân phiên nhau.

Perquin, Morazan, El Salvador
Perquin, Morazan, El Salvador

Phân hóa học cho cây cà phê

Phân hóa học (phân khoáng, phân vô cơ) được chia làm 3 loại là: phân đơn, phân trộn/hỗn hợp và phân phức hợp.

Phân đơn: Là loại phân chỉ chứa 1 trong 3 nguyên tố dinh dưỡng chủ yếu là N,P hoặc K (ví dụ phân kali clorua, phân canxi nitare). Bảng sau cho thấy thành phần trong một số loại phân đơn phổ biến ở các vùng trồng cà phê tại Việt Nam:

Thành phần một số loại phân đơn phổ biến ở các vùng trồng cà phê

Nguồn cung cấpLoại phân
NP2O5K2OCaOMgO
Đạm (N)Urê460000
Amoni Sunphat (SA)210000
Lân (P)Lân nung chảy01602812
Kali (K)Kali clorua006000
Đạm, CanxiCanxi nitrate (CN)15,400260
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), 2016
Phân Kali clorua
Phân Lân nung chảy
Phân Canxi nitrate

Phân trộn/hỗn hợp (physical mixed/blend fertilizer): Là loại phân được trộn từ hai loại phân khác nhau trở lên bằng phương pháp cơ học để đạt được công thức phân bón như mong muốn. Ví dụ như phân NPK trộn (phân ba màu), các loại phân NPK hỗn hợp một màu (một hạt) sản xuất theo phương pháp nghiền và trộn (steam granulation hoặc physical granulation).

Phân NPK trộn
Phân NPK + Te (phức hợp)

Phân phức hợp (chemical compound fertilizer): Là loại phân mà trong thành phần có chứa ít nhất hai chất dinh dưỡng đa lượng liên kết với nhau bằng liên kết hóa học. Ví dụ như phân NPK sản xuất theo công nghệ nitrophosphates.

So sánh phân NPK trộn/hỗn hợp và NPK phức hợp

LoạiThành phầnDạng ĐạmDạng LânĐộ tan
Phân NKP trộn/hỗn hợp, ví dụ: 16-8-16N, P, K; có hoặc không có các chất trung, vi lượngUrê AmonLân đơnChậm
Phân NPK phức hợp, ví dụ: 15-9-20 + TEN, P, K và các chất trung, vi lượng như Mg, S, B, Zn, Mn, Fe…Nitrate Amon
Lân đa DCP
Nhanh
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), 2016

Lưu ý rằng, các loại phân đơn hay phân NPK khác nhau sẽ có các dạng đạm khác nhau, gồm đạm urê, đạm amon và đạm nitrate. Các dạng đạm này sẽ có những đặc tính, lợi điểm riêng.

So sánh phân NPK trộn/hỗn hợp và NPK phức hợp

Dạng đạmCông thứcBay hơiLàm chua đấtLoại phân bón
Đạm Urê(NH2)2COUrê, phân NPK trộn/hỗn hợp
Đạm AmoniNH+Phân Amoni Sulfate, phân NPK trộn/hỗn hợp
Đạm NitrateNO⁻ ₃KhôngKhôngPhân canxi nitrate (CN), phân NPK phức hợp
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), 2016
Phân biệt các loại phân đậm Ảnh groupvga

Kỹ thuật bón phân hoá học

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đưa ra khuyến cáo lượng phân bón cho cây cà phê vối giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh theo loại đất như sau:

Liều lượng phân bón hóa học bón cho cà phê kiến thiết cơ bản

Tuổi câyN*P2O5*K2O*
Năm 1 (trồng mới)6010030
Năm 2120100100
Năm 3150100130
[*] Tính theo kg nguyên chất/ha

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), 2016

Liều lượng phân bón hóa học bón cho cà phê trong thời kì kinh doanh

Loại đấtNăng suất bình quân (tấn nhân/ha)N*P2O5*K2O*
Bazan3220 – 25080 -100200 -230
Đất khác2200 -230100 -130180 – 200
[*] Tính theo kg nguyên chất/ha
Ghi chú: Trong trường hợp năng suất cà phê vượt ngưỡng trên, cứ 1 tấn cà phê nhân thêm/ha cần bón thêm 70kg N, 15kg P2O5 và 70kg K2O

Liều lượng: Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê từng giai đoạn sinh trưởng để bón phân. Với cà phê Tây Nguyên có thể áp dụng 4 đợt bón phân trong một vụ mùa cà phê:

  • Mùa khô (Sau thu hoạch hoa nở – đậu quả): Cây cần nhiều đạm, lân để phục hồi sau thu hoạch. Kali giúp tăng khả năng chịu khô hạn. Bo và kẽm tăng đậu quả: → Bổ sung: N, P, K, Ca, Zn.
  • Đầu mùa mưa (Quả bắt đầu phát triển): Cây cà phê cần tất cả các chất dinh dưỡng để nuôi quả, vươn cành. → Bổ sung: N, P, K, Ca, Mg, S, B, Cu, Zn, Fe, Mn, Mo.
  • Giữa mùa mưa (Quả phát triển mạnh): Cây cà phê cần tất cả các chất dinh dưỡng để nuôi quả, vươn cành. → Bổ sung: N, P, K, Ca, Mg, S, B, Cu, Zn, Fe, Mn, Mo.
  • Cuối mùa mưa (Phát triển nhân): Cây cần đạm để duy trì sinh trưởng sinh dưỡng và nuôi hạt. Kali nuôi hạt, tăng tỷ lệ chất khô, chất lượng nhân. Canxi giúp hạt chắc nặng. → Bổ sung: P, K, Ca.

Phương pháp bón: Bón rải theo hình vành khăn, rộng 15 – 20cm theo mép tán lá. Nếu bón các loại phân chứa đạm urê, đạm amon thì phải xới trộn đều với lớp đất mặt, lấp ở độ sâu 5 – 10cm để tránh bay hơi đạm. Nếu sử dụng loại phân dễ tan, chứa đạm nitrat thì bón sau khi tưới hoặc sau khi mưa, khi đất đủ độ ẩm, không nhất thiết phải lấp phân do đạm nitrate không bay hơi.

https://primecoffea.com/canh-tac-10-dinh-duong-phan-bon-cho-cay-ca-phe.html

Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên vườn, có thể sử dụng phân bón lá phun bổ sung. Chú ý phun đúng nồng độ vào sáng sớm hoặc chiều, tránh nắng và mưa to.

Trong khuôn khổ hợp tác công tư (PPP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Tiểu ban Sản xuất trực thuộc Ban Điều phối ngành hàng cà phê (VCCB) đã thực hiện 71 mô hình thí điểm tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Các mô hình được chọn ngẫu nhiên theo tập quán canh tác của nông dân trồng cà phê. Diện tích mỗi mô hình từ 0,25ha đến 0,5 ha. Tổng kết các mô hình trình diễn cho thấy, việc áp dụng quy trình dinh dưỡng cân đối, bón đúng loại phân và đúng cách cho hiệu suất sử dụng phân bón cao, giảm số lượng phân bón trên một đơn vị diện tích, đạt năng suất và lợi nhuận cao hơn cách bón phân truyền thống.

Canh tác toàn tập là một chuyên mục đặc biệt từ PrimeCoffee, nhằm cung cấp một góc nhìn tổng quan về những yếu tố bạn có thể và/hoặc không thể kiểm soát, cũng như cách thực hiện những kiểm soát có thể để tạo ra một vụ mùa bền vững và một cốc cà phê ngon.

/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Picture of Prime Master
Prime Master

Bạn đang xem PrimeMaster - Chuyên mục bài viết được đầu tư chuyên sâu về nội dung và hình ảnh, với giao diện tối giản giúp nâng cao trải nghiệm đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

/ BÀI VIẾT TƯƠNG TỰ /
Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Năm 2020, Việt Nam sản xuất hơn 1,7 triệu kilôgam cà phê, chiếm 16% sản lượng toàn cầu¹. Trong khi câu chuyện về việc Việt Nam trở thành một gã khổng lồ trên thị trường cà phê quốc tế đã

Lịch sử Phin Cà phê Việt Nam - PrimeCoffee

Lịch sử Phin cà phê

Phin cà phê, một biểu tượng của văn hóa cà phê Việt Nam, đã tồn tại và phát triển qua hơn một thế kỷ. Được du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp trong thời kỳ thuộc địa, đây không

/ ĐÁNG CHÚ Ý /