NỘI DUNG CHÍNH

Xói mòn và rửa trôi đất trong quá trình canh tác cà phê là nguyên nhân làm suy giảm độ phì nhiêu đất trồng cà phê. Cà phê có thể trồng trên các loại đất có độ dốc khác nhau, song cần lưu ý đến các giải pháp quản lý xói mòn, điển hình như khu vực Tây Nguyên, Việt Nam với điều kiện mưa nhiều và tập trung. Độ dốc càng cao, chiều dài dốc càng dài, lượng mưa càng lớn, tần suất mưa nhiều thì lượng đất mất do xói mòn càng lớn.

Độ dốc càng cao, chiều dài dốc càng dài, lượng mưa càng lớn, tần suất mưa nhiều thì lượng đất mất do xói mòn càng lớn | Ảnh: Maren Barbee

Xói mòn sẽ làm cho đất nhanh chóng bị bạc màu, mất sức sản xuất do các hàm lượng dinh dưỡng bị rửa trôi theo dòng nước (đất chua, các cation kiềm, kiềm thổ bị rửa trôi, khả năng trao đổi cation của đất chủ yếu là H+, Al3+), thành phần cấp hạt thay đổi theo chiều hướng xấu (kết cấu đất bị phá vỡ) dẫn đến tình hình sinh trưởng và phát triển của cây cà phê bị hạn chế, năng suất thấp và hệ số sử dụng phân bón không cao, dẫn đến chi phí đầu tư tăng.

Lượng đất xói mòn trên đất trồng cà phê có mối quan hệ với độ dốc, độ che phủ đất. Với độ dốc 7-8 độ, lượng mưa hàng năm trong khoảng 1520, tổng lượng đất xói mòn có thể lên đên 50,2 tấn/ha/năm; Với cùng lương mưa, khi độ dốc tăng lên 10-12 độ, lượng đất xói mòn có thể lên đến 113,1 tấn/ha/năm

Hồ Công Trực, Lương Đức Loan, 1997

Trong điều kiện bình thường, giai đoạn cà phê kiến thiết cơ bản từ 1 – 2 tuổi, lượng đất bị mất đi do xói mòn từ 50 – 60 tấn thì lượng dinh dưỡng bị mất đi nhiều nhất là chất hữu cơ, can xi, đạm tổng số, kali dễ tiêu, ma giê. Việc mất đi các chất dinh dưỡng này góp phần vào việc gia tăng tốc độ suy thoái đất; đặc biệt là gia tăng tốc độ chua hóa đất, làm giảm hiệu quả sử dụng phân bón, ảnh hưởng đến năng suất và giá thành sản xuất.

Lớp phủ bề mặt

Các kỹ thuật cơ giới được thiết kế để duy trì độ ẩm trong đất có thể khá tốn kém và tốn nhiều công sức như đặt các thiết bị tưới nhỏ giọt. Ngược lại, phủ rơm rạ rẻ hơn nhiều và hiệu quả hơn như một phương tiện giữ độ ẩm trong đất. Tác dụng của lớp phủ rất đơn giản: nó tạo ra một rào cản vật lý làm giảm khả năng bay hơi nước trong đất gây nên bởi gió và nhiệt lượng từ mặt trời. Lớp phủ có thêm lợi ích là ngăn lượng mưa làm nén chặt đất.

Người ta ước tính rằng một giọt mưa có thể tác dụng một lực xuống tương đương với 349 lần trọng lượng của chính nó, và có thể tạo ra một lỗ sâu 1cm xuống nền đất yếu. Vì vậy, những nơi mà mặt đất không được che chắn đủ bằng tán lá, (đặc biệt khi cây còn rất nhỏ), một lớp phủ mặt đất như lớp mùn hoặc lá cọ có thể vừa giúp đất không bị nén lại vừa giúp đất không bị khô bề mặt.

BaristaHustle
Rào chắn tự nhiên và cây cà phê mới trồng được Adonaldo Mendoza Chicas thuộc tỉnh La Paz, Honduras | Ảnh: Maren Barbee

Một nghiên cứu so sánh tác động của việc phủ lớp phủ và tưới nhỏ giọt cho thấy “cả hai đều có tác động đáng kể đến sự tăng trưởng và quang hợp của cây cà phê, nhưng phương pháp phủ bề mặt thực tế hơn phương pháp tưới nhỏ giọt” (K. de Alcantara Notaro và cộng sự, 2014). Điều này khá đúng với thực tế vì lớp phủ có thể được sản xuất với chi phí rất thấp từ chất hữu cơ. Sự gia tăng tỷ lệ quang hợp ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của cây cà phê. Những cây được trồng bằng lớp phủ, tưới tiêu hoặc phân đạm sẽ tạo ra số lượng nút mang quả cao hơn (MGR Cannell, 1973).

Trong một khóa học về canh tác cà phê cho tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, họ tư vấn cách tiếp cận quản lý đất sau đây (trích từ Che phủ đất trống – Covering the bare soil):

Nếu bạn để đất trống, mưa sẽ làm hỏng đất và phá hủy cấu trúc của nó. Nước rửa trôi muối khoáng, và ánh nắng mặt trời làm phân hủy chất mùn rất nhanh. Đất trở nên nghèo hơn và không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây cà phê. Vì vậy cây cà phê sẽ không cho nhiều quả. Lớp phủ bề mặt sẽ bảo vệ đất khỏi bị xói mòn – bạn có thể tận dụng lại thảm thực vật (cỏ dại) đã cắt hoặc lớp phủ hữu cơ khác. Bằng cách này, đất được bảo vệ khỏi nắng và mưa đồng thời cung cấp thêm chất hữu cơ cho đất từ phần thực vật thối rữa. Bạn cũng có thể sử dụng cây che phủ để bảo vệ mặt đất điển hình như cây họ đậu. Giữa các hàng cây cà phê, cây họ đậu không chỉ bảo vệ đất mà còn cung cấp nitơ cho đất.

Giải pháp sinh học

Hanna Neuschwander, tác giả một số nghiên cứu kiêm giám đốc truyền thông của Tổ chức Nghiên cứu Cà phê Thế giới (World Coffee Research (WCR)) đã đề cập đến một lĩnh vực quan trọng mà WCR đang khám phá là trồng xen canh cà phê với loại cây che phủ nào. Bằng cách trồng các loại cây họ đâu như đậu và đậu Hà Lan xen giữa các cây cà phê, nông dân có thể thu được nguồn thu nhập phụ/nguồn thực phẩm, cũng như lợi ích của việc các loại cây này đưa nitơ trở lại đất (cố định nitơ). Thực hành canh tác này đặc biệt hữu ích trong việc kiểm soát việc cỏ dại lấy đi chất dinh dưỡng từ đất. Trên nền đất dốc, cây che phủ là một giải pháp hiệu quả cho việc kiểm soát cỏ dại và chống xói mòn

Trồng xen cây họ đậu (lạc), chuối trong vườn cà phê kiến thiết cơ bản là giải pháp sinh học góp phần hạn chế xói mòn đất | Ảnh: Maren Barbee

Hạn chế của cây che phủ là cần phải đầu tư thêm chi phí (bạn phải mua hạt giống) và giá trị kinh tế thì không cao như một một loại hàng hóa. Thay vào đó, nó được sử dụng như một phương tiện để điều chỉnh sự cân bằng nitơ trong đất và ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại. Nghiên cứu điển hình của HRN Stiftung ở Uganda cho thấy phương pháp này có hiệu quả trong việc tăng độ ẩm trong đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Tuy nhiên, nghiên cứu của họ cho thấy cách tiếp cận này khó có thể được thực hiện rộng rãi cho đến khi lợi ích chi phí cho người nông dân có thể được thuyết phục hơn. Rào cản vấn đề này chính là chi phí hạt giống.

Trong điều kiện Tây Nguyên, đặc biệt là mùa mưa, lượng mưa tập trung chủ yếu trong 6 tháng từ tháng 5 đến tháng 11, lượng đất trên các vườn cà phê kiến thiết cơ bản bị xói mòn là khá lớn, trung bình khoảng trên 60 tấn/ha/năm; Vì vậy để hạn chế nguy cơ của quá trình suy thoái đất thì cần có những giải pháp kiểm soát xói mòn đất; góp phần giúp cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, nhanh chóng che phủ được bề mặt đất, từ đó có tác dụng tốt trong việc hạn chế xói mòn đất trong quá trình canh tác. Trồng xen ngô, lạc, muồng hoa vàng trong vườn cà phê kiến thiết cơ bản là giải pháp sinh học góp phần hạn chế xói mòn đất so với đối chứng không trồng xen từ 20 – 42%; trong đó giải pháp trồng xen cây muồng hoa vàng có tác dụng giảm lượng đất xói mòn tốt nhất.

Giải pháp sinh học kết hợp với cơ học

Tại Việt Nam, Đối với vườn cà phê kiến thiết, ngoài các giải pháp sinh học để quản lý xói mòn đất thì việc áp dụng giải pháp cơ học hoặc cơ học kết hợp với sinh học có tác dụng rất tốt trong việc kiểm soát xói mòn đất. Áp dụng giải pháp cơ học như tạo bồn đã làm giảm lượng đất xói mòn tới 70% so đối chứng. Giải pháp cơ học kết hợp với sinh học (làm mương kết hợp xen ngô và lạc) cũng làm giảm lượng đất xói mòn khoảng 62%

Tuy nhiên, việc quyết định loại rào cản nào là tốt nhất cho vùng đất canh tác cà phê dựa trên một số nguyên tắc chung sau:

  • Bảo tồn hoặc phát triển hệ thực vật hiện có. Nếu đất trồng rất dốc, những cây đã mọc ở đó hoặc những cây bạn trồng mới sẽ bảo vệ đất khỏi bị sạc lở. Cỏ và cây có bộ rễ khỏe sẽ giúp giữ đất và nước, vì vậy luôn tận dụng hệ thực vật sẵn có.
  • Làm chậm dòng chảy, nhưng cho phép thoát nước tốt. Điều quan trọng là giữ cho nước di chuyển, cho dù xuống dốc hay vào đất. Các rào cản được thế kế kém có thể dẫn đến ứ đọng nước, cho phép muỗi sinh sản và lây lan bệnh sốt rét và các bệnh khác.
  • Khắc phục sự cố ngay khi chúng xảy ra. Bão lớn có thể khiến mương rãnh tắc nghẽn, hoặc rào chắn bị sạc lở. Trong các trường hợp này cần sớm khắc phục để tránh xói mòn thêm.
  • Bắt đầu từ trên xuống. Nước chảy xuống dốc. Bằng cách bắt đầu từ trên cùng, vì vậy nên bảo vệ hệ cây trồng (cà phê) bên dưới bằng cách sử dụng nhiều rào cản nhỏ hơn (mật độ rào cản cao hơn về cuối dốc).

Một số mô hình rào cản sinh học kết hợp cơ học

Rào cản sống bằng cây cối, bụi rậm, cỏ hoặc các loại cây khác được trồng trên các đường viền giữ nước và đất.
Rào cản bằng đá hoặc kiện rơm được đặt trên cọc gỗ cho phép dòng nước chảy qua, nhưng làm chậm lại.
Rào chắn bằng đá rộng 30 cm và cao ít nhất 25 cm, làm bằng đá, đất, kiện rơm hoặc các vật liệu khác sẽ làm chậm dòng nước, và làm nước thấm xuống tốt hơn.
Đào rãnh để hướng dòng nước đến một khu vực nhất định. Để giúp nước ngấm vào đất.

Canh tác toàn tập là một chuyên mục đặc biệt từ PrimeCoffee, nhằm cung cấp một góc nhìn tổng quan về những yếu tố bạn có thể và/hoặc không thể kiểm soát, cũng như cách thực hiện những kiểm soát có thể để tạo ra một vụ mùa bền vững và một cốc cà phê ngon.

/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Prime Author
Prime Author

Chúng tôi vô cùng biết ơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các tác giả, thông quan những tài liệu và ấn phẩm mà chúng tôi đã tham khảo; Công việc của họ là nền tảng cho toàn bộ trang tin này!

Prime Author
Prime Author

Chúng tôi vô cùng biết ơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các tác giả, thông quan những tài liệu và ấn phẩm mà chúng tôi đã tham khảo; Công việc của họ là nền tảng cho toàn bộ trang tin này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *