Tưới tiêu là cung cấp nước có kiểm soát cho cây trồng. Tưới nước giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe mạnh và đạt năng suất trong thời kỳ ít mưa, nhưng cũng có những lợi ích khác – kiểm soát thời gian ra hoa và quả chín, có khả năng bảo vệ đất (nén chặt) hoặc ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại.
Chỉ 10% diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để trồng cà phê ở Brazil được tưới tiêu, tuy nhiên, 10% này cung cấp 22% tổng sản lượng cà phê mỗi năm (Gleice A. de Assis và cộng sự, 2014). Thống kê này cho thấy rằng việc tưới tiêu có tác động đáng kể đến việc tăng năng suất.
Tăng cường cung cấp nước và chất dinh dưỡng thông qua tưới tiêu kết hợp với bón phân cũng cho phép tăng mật độ cây trồng được trồng cao hơn, tăng năng suất gấp nhiều lần trên cùng diện tích đất. Tuy nhiên, khi ứng dụng trong thực tiễn không có cách tiếp cận chung cho tất cả: lượng và thời gian tưới lý tưởng phụ thuộc vào điều kiện địa phương bao gồm vĩ độ, phân bố lượng mưa, thời điểm và mức độ khắc nghiệt của mùa khô, loại đất và độ sâu.
Đối với cà phê vối (Robusta), việc tưới nước giúp cho ra hoa sẽ tăng năng suất 48 – 57% và nếu việc tưới được duy trì suốt mùa khô hạn năng suất sẽ tăng 85 – 95% so với những diện tích không tưới.
Naidu, 2003
Nhu cầu tưới tiêu
Thông thường, cây cà phê có bộ rễ ăn cạn, phân bố tập trung ở tầng 0 – 30 cm nên khả năng chịu hạn của cây cà phê vối rất thấp so với nhiều loại cây lâu năm khác.
Theo các nghiên cứu của WASI, cung cấp đủ nước cho cây cà phê thông qua tưới tiêu giúp gia tăng gấp hai lần độ dài của cành ngang do gia tăng số đốt và độ dài đốt; gia tăng diện tích lá 45%; giữ lại bộ lá tốt hơn so với cây không được tưới; hấp thụ dinh dưỡng được cải thiện; quả chín tập trung. Đối với cà phê vối, việc tưới nước giúp cho ra hoa sẽ tăng năng suất 48 – 57% và nếu việc tưới được duy trì suốt mùa khô hạn năng suất sẽ tăng 85 – 95% so với những diện tích không tưới (Naidu, 2003).
Sau khi thụ phấn, quả cà phê vối sẽ trải qua giai đoạn “ngủ nghỉ” kéo dài khoảng 3 tháng, quả hầu như không tăng trưởng về kích thước và trọng lượng. Sau giai đoạn ngủ nghỉ quả bắt đầu phát triển nhanh, cây đòi hỏi nhiều nước và dinh dưỡng để nuôi quả. Giai đoạn quả phát triển trùng vào các tháng đầu mùa mưa có đủ nước và được bón phân nên tạo điều kiện thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng tốt và đạt năng suất cao ở khu vực Tây Nguyên.
Trong điều kiện khí hậu của Tây Nguyên, có mùa khô hạn kéo dài và khốc liệt, nếu không được tưới bổ sung trong mùa khô thì việc canh tác cà phê sẽ không có hiệu quả. Theo Lê Ngọc Báu, 1978 khi nghiên cứu xác định chế độ tủ gốc và tưới nước cho cà phê, trong điều kiện không tưới nước và có tủ gốc, sự ra hoa của cây cà phê hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất cà phê thấp và không ổn định, gặp điều kiện không thuận lợi như mưa trái mùa giữa mùa khô kích thích hoa trổ và toàn bộ hoa này sẽ bị thui do khô hạn cây có thể không cho quả.
Ra hoa
Thời kỳ căng thẳng nước liên tục trong vài tháng (mùa khô) là lúc cây chuẩn bị nụ họa. Giai đoạn này có thể được sử dụng để kiểm soát thời gian ra hoa, bằng cách cố tình để cây chịu áp lực hạn hán và sau đó tưới nước. Biện pháp này có thể rút ngắn thời kỳ thu hoạch ở một số khu vực.
Việc xác định thời điểm tưới lần đầu khi nụ hoa đã phân hóa đầy đủ sẽ góp phần giúp cây cà phê nở hoa tập trung. Khi các mầm hoa phát triển đầy đủ ở đốt ngoài cùng của các cành, dài khoảng 1,5 cm, có màu trắng ngà và lá đã bắt đầu héo rủ vào ban ngày là thời điểm cần tưới. Thông thường độ ẩm cần tưới được xác định cao hơn độ ẩm cây héo. Độ ẩm cần tưới ở tầng 0 – 30 cm được xác định cho đất bazan là khoảng 27% (Hiệp hội cà phê BMT, 2021).
Cần lưu ý, không tưới sớm khi nụ hoa chưa phân hóa đầy đủ sẽ làm cho hoa nở không tập trung, quả chín rải rác, làm tăng chi phí và lãng phí nguồn nước. Tuy vậy, khi cây đã có triệu chứng héo tạm thời, lá rũ xuống vào ban ngày và độ ẩm đất dưới 27%, nụ hoa chưa phân hóa đầy đủ thì vẫn phải tưới để cây cà phê không bị hư hại. Tưới muộn quá cây bị suy kiệt, rụng lá, khô cành, hoa bị thui, nở hoa kém, hoa bị tình trạng “hoa chanh” năng suất thấp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.
Trong điều kiện tự nhiên, sự ngủ đông của nụ hoa thường bị phá vỡ bởi những cơn mưa đầu mùa sau thời kỳ khô hạn.
Barros và cộng sự, 1999
Ra quả
Khoảng sáu tuần sau khi đậu quả, quả bắt đầu phát triển nhanh chóng. Đây là giai đoạn quyết định kích thước cuối cùng của quả – đồng thời cũng là kích thước hạt. Ở những quốc gia như Kenya, nơi mùa mưa không nhất thiết phải trùng với thời kỳ quả nở rộ, việc tưới và phủ đất (để giữ nước trong đất) có thể giúp tăng kích thước hạt cà phê lớn hơn. Trong một nghiên cứu ở Ruiru, Kenya, việc tưới tiêu đã được chứng minh là có ảnh hưởng nhỏ đến năng suất tổng thể nhưng lại làm tăng năng suất của các cỡ hạt AA và AB – hơn gấp đôi so với các cây cà phê sinh trưởng trong một năm khô hạn (MGR Cannell, 1973).
Căng thẳng do thiếu nước cũng làm giảm khả năng sinh trưởng của lá và cành, giảm chiều dài chồi và diện tích lá. Sự phát triển chồi của cây cà phê Arabica và Robusta diễn ra chậm trong mùa khô, mát và nhanh vào mùa mưa, ấm (DaMatta và cộng sự, 1999). Do đó, nguồn nước thay vì nhiệt độ sẽ đóng một vai trò quyết định đối với sự phục hồi tăng trưởng sau giai đoạn kìm hãm do thiếu nước.
Trong một số trường hợp nhất định, thực vật không phản ứng với nước tưới theo cách chúng ta mong đợi. Ví dụ, ở nhiệt độ cao (> 26°C), cây đóng lỗ chân lông trên lá và ngừng lấy nước, ngay cả khi trong đất có nhiều nước. Trong một nghiên cứu ở Kenya, việc tăng mật độ trồng trọt không làm tăng căng thẳng do hạn hán, cho thấy rằng việc tưới tiêu không phải lúc nào cũng cần thiết để thâm canh thêm nhiều hơn.
Các hệ thống thủy lợi có chi phí vốn đáng kể, điều này rất khó khăn đối với nhiều nông dân trồng cà phê, và một số chi phí lao động cũng vậy. Để thiết lập hệ thống tưới tiêu, các trang trại cần tối thiểu một nguồn nước đáng tin cậy, một hệ thống lọc, máy bơm và các phương tiện cung cấp năng lượng cho chúng, và một lượng đáng kể thiết bị bao gồm vòi và vòi phun nước, cũng như nhân lực để vận hành chúng khi cần thiết. Vì lý do này, nhiều nông dân chỉ đơn giản là phụ thuộc vào khí hậu với lượng mưa nước sẵn có. Ngay cả khi có hệ thống tưới tiêu, vẫn có một số hạn chế đối với những gì nó có thể đạt được. Nếu thời điểm tưới không lý tưởng, thì nó có thể ảnh hưởng đến thời gian ra hoa hoặc đậu quả, hoặc kém hiệu quả hơn so với khi áp dụng đúng cách.
(*) Cà phê Kenya được phân lọa theo cỡ hạt, nếu không tính các hạt đặc biệt như Kenya E (Elephant Bean), và Kenya PB (Peaberry), thì Kenya AA có kích thước lớn nhất, nhỏ hơn lần lượt là Kenya AB, C, TT, T, MH/ML.
Canh tác toàn tập là một chuyên mục đặc biệt từ PrimeCoffee, nhằm cung cấp một góc nhìn tổng quan về những yếu tố bạn có thể và/hoặc không thể kiểm soát, cũng như cách thực hiện những kiểm soát có thể để tạo ra một vụ mùa bền vững và một cốc cà phê ngon.