Canh tác 09: Kỹ thuật cắt tỉa, tạo hình cây cà phê - Prime Coffee
NỘI DUNG CHÍNH

Tỉa cành là việc loại bỏ có chọn lọc một phần của cây cà phê, bao gồm cả cành, chồi, hoa và quả. Cắt tỉa có thể kiểm soát kích thước tán cây để giúp thu hoạch dễ dàng hơn, khuyến khích tăng trưởng năng suất, bảo vệ chống lại hạn hán và bệnh tật, và cuối cùng là cải thiện năng suất.

Tạo hình & cắt tỉa được xem như một biện pháp kỹ thuật bắt buộc với mục đích tạo cho cây cà phê có bộ tán cân đối, khai thác triệt để không gian riêng có của mỗi cây |Ảnh: heavenlyhawaiian

Tỉa cành là một trong những biện pháp canh tác quan trọng nhất để đạt được sản lượng và giữ cây khỏe mạnh. Phần lớn các nghiên cứu hiện có cho thấy việc cắt tỉa đến từ Kona, Hawaii – có lẽ là nơi có năng suất cà phê Arabica cao nhất trên mỗi mẫu Anh ở bất kỳ đâu trên thế giới. Điều này một phần đến từ các điều kiện trồng trọt lý tưởng, đồng thời với các phương pháp canh tác được áp dụng, bao gồm các quy chuẩn cắt tỉa nghiêm ngặt và thường xuyên.

Bài đăng này được thực hiện để giúp bạn hiểu được các nguyên lý cơ bản của việc tạo hình và tỉa cành cũng hư mục đích & phương pháp cắt tỉa cơ bản. Để có thể áp dụng kỹ thuật tạo hình, tỉa cành cho cây cà phê trong thực tiễn sản xuất, bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn “Taọ Hình & Tỉa Cành Cho cây Cà Phê” trong “Bộ tài liệu Hướng dẫn Sản xuất Cà phê bền vững” do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phát hành.

Tại sao phải cắt tỉa?

Quả cà phê thường chỉ mọc trên cành mới. Khi cây cà phê già đi, tốc độ tăng trưởng chậm lại với nhiều cành hơn. Các cành từng đậu quả trở nên xơ xác và cản trở ánh sáng. Kết quả là cây càng ngày càng kém năng suất khi già đi. Cắt tỉa khuyến khích sự phát triển mới, giảm hiện tượng tự che bóng và do đó tăng năng suất.

Cà phê là một cây trồng chăm chỉ và thậm chí nó sẽ tập trung toàn bộ cho năng suất cho một vụ mùa duy nhất – hay còn gọi là “overbearing”. Một cách đơn giản, điều này nghĩa là cây sẽ ra nhiều trái nhất có thể trong bất kỳ năm nào. Khi quả bắt đầu nở ra và chín, nó sử dụng hết lượng carbohydrate dự trữ từ cây và cần một lượng lớn nitơ từ đất. Nếu không có đủ carbohydrate dự trữ hoặc đủ nitơ để hỗ trợ sự phát triển, thì lá và cành sẽ bắt đầu chết khi nguồn cung cấp thức ăn của chúng được sử dụng hết. Điều này được gọi là chết ngược (dieback), và năm sau sẽ có một vụ mùa rất kém.

Mục đích và phương pháp cắt tỉa cành cho cây cà phê vối

Ngay cả khi cành không chết hoàn toàn, lượng carbohydrate tích lũy hạn chế vào thời điểm cây ra hoa có thể ảnh hưởng đến số lượng hoa, khả năng đậu trái và vẫn ảnh hưởng đến năng suất trong năm sau – vì vậy một vụ mùa với năng suất cao trong một năm, sẽ khiến cây sử dụng hết các ngồn dự trữ carbohydrate, và dẫn đến mùa vụ với năng suất thấp hơn trong năm tiếp theo.

Mô hình mang tính chu kỳ này có một thuật ngữ – “Biennial bearing”, chỉ những cây trồng có năng suất không đều từ năm này sang năm khácViệc cắt tỉa tốt có thể loại bỏ điều này, dẫn đến năng suất ổn định hơn từ năm này sang năm khác và cây khỏe mạnh hơn.

Cành ngang

Mọc xiên so với thân chính, có khả năng ra hoa quả, có hai loại cành khác nhau:

Cành cơ bản (cành cấp 1): Tại mỗi nách lá trên thân chính có nhiều mầm ngủ nhưng chỉ có mầm trên cùng có khả năng phát triển thành cành ngang được gọi là cành cơ bản hay cành cấp 1. Nếu cành cấp 1 bị rụng hoặc bị cắt bỏ thì không bao giờ tại vị trí đó có thể phát sinh cành cấp 1 khác.

Kỹ thuật cắt tỉa, tạo hình cây cà phê
Cành thứ cấp mang quả trên cây cà phê | Ảnh: heavenlyhawaiian

Cành thứ cấp (cành cấp 2, 3…): Tại mỗi nách lá của cành cấp 1 có nhiều mầm ngủ có khả năng phát triển thành cành cấp 2, hay phân hóa thành những mầm hoa khi có điều kiện thích hợp như: thời tiết khô hạn, nhiệt độ thấp. Ở các nách lá trên cành cấp 2 cũng có nhiều mầm ngủ tương tự và có khả năng phát triển thành cành cấp 3. Các cành ngang từ cành cấp 2 trở đi được gọi chung là cành thứ cấp và các cành này có khả năng tái sinh, do đó cần loại bỏ bớt trong các đợt tạo hình nếu chúng quá nhiều.

Cành thẳng đứng (cành vượt hay chồi vượt)

Là các loại cành phát sinh từ các mầm ngủ ở nách lá trên thân chính. Chồi vượt có đặc điểm: mọc thẳng đứng, sinh trưởng nhanh, tiêu hao nhiều dinh dưỡng nhưng lại không có khả năng cho quả. Trong khi tạo hình, chồi vượt cần được loại bỏ thường xuyên và kịp thời nhằm tránh tiêu hao dinh dưỡng, ngoại trừ các trường hợp sau: sử dụng chồi vượt để tạo thành thân mới, bổ sung tán khi cây bị khuyết tán.

Chồi vượt có thể dùng để tạo thành thân mới, bổ sung tán khi cây bị khuyết tán | Ảnh: heavenlyhawaiian

Tập tính ra hoa

Hoa cà phê chỉ phát triển trên những đoạn cành được hình thành từ năm trước, rất hiếm khi hoa ra lại trên các đốt đã mang quả vì vậy trên một cành cà phê thường thấy có 3 đoạn cành khác nhau: đoạn cành đã mang quả, đoạn cành đang mang quả và đoạn cành tơ mới hình thành (cành dự trữ).

Nếu không được cắt cành hàng năm, vị trí đóng quả trên cành có chiều hướng xa dần với trục thân chính, sự vận chuyển chất dinh dưỡng bị hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng quả ở những vị trí này. Mục đích của việc cắt cành, tạo hình hàng năm là tạo điều kiện phát triển cành dự trữ và đưa vị trí đóng quả lại gần với trục thân chính để có năng suất cao và cải thiện được phẩm chất hạt.

Tỉa cành

Cây cà phê tạo ra một thân thẳng đứng, với các “nút” (nodes) cách đều nhau. Mỗi nút sẽ tạo ra một cặp lá và một cặp nhánh phụ (hay cành bên). Khi cây già đi, tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại và các nút sẽ thu lại gần nhau hơn.

Dọc theo các cành bên, mỗi nút tạo ra hoa và quả, thường chỉ một năm sau khi nó phát triển. Khi cành bên phát triển, nó tạo ra các nút mới sẽ kết trái và đôi khi là một nhánh khác, còn được gọi là “nhánh thứ cấp”. Những nhánh thứ cấp cũng tạo ra quả nhưng thường kém năng suất hơn.

Nhiều cành vượt mọc từ trung tâm của gốc cũ, do đó phải tỉa định kỳ, các chồi giữ lại phải được phân bố đều chung quanh gốc cây |Ảnh: heavenlyhawaiian

Khi thân chính của cây bị cắt bỏ hoặc bị hư hại, các cành dọc (cành vượt) sẽ mọc ra từ thân cây, từ đó tạo ra những cành bên của chúng. Điều này có thể được khai thác để tạo ra sự phát triển mới từ những cây già hơn. Tuy nhiên, vì cành vượt không tạo ra quả, nên nếu nảy sinh quá nhiều cành vượt có thể hạn chế sản lượng. Vì vậy với một cây cà phê khỏe mạnh, các cành vượt được xem là kẻ cạnh tranh dinh dưỡng và cần loại bỏ.

Trên cây cà phê những cành nào đã cho trái thì hầu như sẽ không cho trái trong năm sau nữa. Những cành này sẽ vươn dài ra để tiếp tục cho trái ở phần đầu cành hoặc chết khô, hoặc tạo ra những cành thứ cấp mới. Vì vậy cứ sau mỗi vụ thu hoạch nông dân phải tỉa cành, tạo hình lại cho cây cà phê. Nếu không cây cà phê sẽ có tán lá lộn xộn, giảm năng suất trong năm tiếp theo và nhanh bị già cỗi.

Thông thuờng, việc cắt tỉa cành có thể được tiến hành hai lần trong trong năm như sau:

  • Lần thứ nhất: Ngay sau khi thu hoạch, cây cần cắt tỉa các cành vô hiệu, cành khô chết, sâu bệnh, nhỏ yếu, các cành thứ cấp mọc quá dày ở phần trên của tán. Cắt ngắn các cành già cỗi để tập trung dinh dưỡng nuôi các cành thứ cấp bên trong.
  • Lần thứ hai: Vào giữa mùa mưa (tháng 6, 7), khi cành đã phát triển tươi tốt lại, tỉa thưa các cành thứ cấp mọc ở vị trí không thuận lợi (mọc ngược vào thân cây) để tán cây mọc thông thoáng và chọn để lại các cành khỏe, dự trữ cho vụ mùa sau.
  • Ngoài hai lần tỉa cành chính, các cành phụ (hay còn gọi là “tăm”, cành “nhớt”) mọc rất dày tại cùng một vị trí trên cành chính, không đóng góp sản lượng mà còn cạnh tranh dinh dưỡng với các cành sẽ mang quả nên cần được loại bỏ đồng thời với việc cắt tỉa cành vượt từ thân, gốc.
Video trình bày cách phân biệt cành thứ cấp và cành tăm trên cây cà phê

Mục tiêu của các hệ thống cắt tỉa khác nhau đang được sử dụng là để khuyến khích sự phát triển cành mới, tạo ra năng suất và cho phép tán cây tiếp nhận ánh sáng đồng đều hơn. Tóm lại, nguyên tắc chung là cắt bỏ những cành già cỗi, sâu bệnh, hạn chế những cành thứ cấp không cần thiết sẽ giúp cải thiện sản lượng rất nhiều và nên tiến hành hàng năm sau khi thu hoạch.

Bổ sung phần tán bị khuyết

Trong quá trình chăm sóc, vì nhiều lý do khác nhau như sự phá hoại của sâu bệnh, cành khô do thiếu nước hay bị gió gây hại khiến nhiều cây có hình dáng không thích hợp. Các cây này sẽ được tạo hình bổ sung như sau:

  • Trong trường hợp cây bị khuyết tán bên dưới (tán dù), tán cây được bổ sung bằng cách nuôi một chồi vượt sát mặt đất và chồi này được hãm ngọn ở độ cao mà phần tán bị khuyết. Để chồi vượt mọc khỏe và phát triển bình thường cần tỉa thưa một số cành thứ cấp ngay bên trên vị trí của chồi vượt (Hình 9).
  • Nếu cây bị khuyết tán bên trên cần tiến hành cưa bỏ đoạn thân già cỗi, kém phát triển bên trên và nuôi một chồi mới để bổ sung phần tán bên trên. Kỹ thuật tạo hình trên đây đã giúp cây khai thác hiệu quả các yếu tố thâm canh khác như phân bón, tưới nước ở mức cao. Đồng thời biện pháp này cũng góp phần duy trì sự ổn định năng suất của các vườn cà phê.

Hệ thống tạo hình cải tiến (tạo hình bàn tay từ bướu sinh cành)

“Kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành” đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, tư vấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong các chương trình sản xuất cà phê bền vững, cà phê chứng nhận, cà phê cảnh quan,… Cách này giúp giảm nhẹ áp lực kỹ thuật và nhân công tạo hình cà phê, dung hoà sự xung đột kỹ thuật giữa tạo hình đơn thân và tạo hình đa thân; tích hợp các ưu điểm và khắc phục các nhược điểm của hai phương pháp tạo hình này.

Kỹ thuật “tạo hình bàn tay với bướu sinh cành” | Ảnh: Phạm Công Trí, 2017

Trong hệ thống cành cấp (2, 3, 4,…) thì cấp cành càng thấp sẽ càng khỏe hơn cấp cành càng cao, thường thì cành cấp 2 luôn tỏ ra khỏe nhất; việc hình thành và duy trì các bướu sinh cành cấp 2 (cấp thấp) sẽ thuận lợi trong tạo hình, nâng cao và ổn định năng suất. Nông dân cần ưu tiên tạo các bướu sinh cành cấp 2.

Tỉa ngọn

“Tỉa ngọn” đề cập đến việc cắt hoàn toàn phần trên cùng của cây – tính từ gốc lên khoảng 1.5 – 1.8m, để hạn chế chiều cao của cây giúp thu hoạch dễ dàng hơn.

Một khi cây Arbica phát triển chiều cao đầy đủ, nó sẽ không tạo ra bất kỳ nhánh bên nào nữa, không có cành sơ cấp đồng nghĩa là sự phát triển & năng suất, phải đến từ các nhánh phụ – các nhánh bên cấp hai cấp ba. Hệ thống cắt tỉa này tương đối đơn giản và chỉ cần người nông dân cắt bỏ những cành thừa, tỉa thưa những cành mang trái và loại bỏ những phần thân già cỗi. Khi các cành dọc già đi và không còn hiệu quả, chúng có thể bị cắt bỏ hoàn toàn để cho phép các chồi vượt mới phát triển, giữ cho 2 hoặc 3 chồi vượt phát triển trên cây gốc cùng lúc.  Bởi vì nó đơn giản và không yêu cầu thiết bị nặng, đây kỹ thuật được FAO khuyến nghị trong việc cắt tỉa.

Tuy nhiên, ở những nước có nhiều đầu vào cho hoạt động canh tác hơn như phân bón và tưới tiêu, và đặc biệt là nơi mà nông nghiệp được cơ giới hóa, các kỹ thuật cắt tỉa nghiêm ngặt mang tính chọn lọc cao hơn hơn có thể phù hợp.

Cắt cây

‘Cắt cây’ thường đề cập đến việc cắt hoàn toàn cây & chỉ giữ lại phần gốc. Để năm sau, cây sẽ ra những chồi vượt mới, mọc rất nhanh, nhưng không đậu trái. Quả sẽ được sinh ra trên những chồi bên của nó trong những năm tiếp theo. Mặc dù cách này sẽ làm đánh mất năng suất trong năm đầu tiên, nhưng sản lượng thường tăng lên trong những năm tiếp theo có thể bù đắp trở lại.

Ngoài việc cắt hàng loạt, có có một phương pháp cắt gốc theo hàng, trong đó một hàng được giữ lại xen kẽ với một hàng cắt gốc được gọi là hệ thống Beaumont-Fukunaga, được phát triển vào những năm 1950. Việc này có thể được thực hiện theo chu kỳ hàng năm 3 hoặc 4 năm, hoặc hai năm một lần theo chu kỳ 6 năm. Hệ thống này đang được sử dụng phổ biến ở Hawaii và phần lớn châu Mỹ Latinh.

Một cây cà phê ở Hawaii, vài tháng sau khi thực hiện Phương pháp cắt tỉa Beaumont – Fukunaga | Ảnh: heavenlyhawaiian

Ban đầu, Phương pháp Beaumont – Fukunaga được gọi là ‘stumping’ vì người ta thường cắt mọi thứ trên cây, cho đến tận gốc. Theo thời gian, khoảng 5% – 10% cây cà phê sẽ chết, cần phải trồng thay thể bằng một cây mới. Một số nông dân cho rằng con số đó có thể ít hơn 1% nếu họ được bón phân và chăm sóc đúng cách. Sau này, để chạn chế số lượng cây cà phê bị chết, người ta thường để lại một ‘chồi dọc’ để đảm bảo chúng có thể sống, khỏe mạnh và tiếp tục quang hợp để tạo ra nhiều chồi hơn.

Canh tác toàn tập là một chuyên mục đặc biệt từ PrimeCoffee, nhằm cung cấp một góc nhìn tổng quan về những yếu tố bạn có thể và/hoặc không thể kiểm soát, cũng như cách thực hiện những kiểm soát có thể để tạo ra một vụ mùa bền vững và một cốc cà phê ngon.

/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Picture of Prime Master
Prime Master

Bạn đang xem PrimeMaster: Chuyên mục bài viết được đầu tư chuyên sâu về nội dung và hình ảnh, với giao diện tối giản giúp nâng cao trải nghiệm đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

/ BÀI VIẾT TƯƠNG TỰ /
Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Năm 2020, Việt Nam sản xuất hơn 1,7 triệu kilôgam cà phê, chiếm 16% sản lượng toàn cầu¹. Trong khi câu chuyện về việc Việt Nam trở thành một gã khổng lồ trên thị trường cà phê quốc tế đã

Lịch sử Phin Cà phê Việt Nam - PrimeCoffee

Lịch sử Phin cà phê

Phin cà phê, một biểu tượng của văn hóa cà phê Việt Nam, đã tồn tại và phát triển qua hơn một thế kỷ. Được du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp trong thời kỳ thuộc địa, đây không

/ ĐÁNG CHÚ Ý /