NỘI DUNG CHÍNH

Việc mua cà phê chất lượng cao từng không phải là vấn đề đối với các nhà rang xay. Khi thị trường ít đối thủ cạnh tranh và có nhiều nhà sản xuất sẵn sàng tìm kiếm người mua, nguy cơ thiếu hụt cà phê đặc sản dường như là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, ngày nay, sự kết hợp của thị trường bất ổn, biến đổi khí hậu, và số lượng người tham gia thị trường ngày càng tăng đang khiến các nhà rang xay gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn cung ổn định.

Chi phí sản xuất leo thang càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Nông dân phải chi nhiều hơn cho phân bón, nhân công và các đầu vào khác, đẩy giá thành lên cao và khiến cà phê đặc sản – vốn trước đây còn trong tầm với – trở nên đắt đỏ hơn. Tổng hợp các yếu tố này ngày càng thu hẹp biên lợi nhuận của các nhà rang xay đến mức khó có thể duy trì.

Trước tình hình đó, một số nhà rang xay đã tìm đến giải pháp tích hợp theo chiều dọc bằng cách trực tiếp mua lại các vùng nguyên liệu cà phê. Theo một số nguồn tin, giá cà phê robusta đã tăng gần 80% trong năm 2024, trong khi kim ngạch xuất khẩu cũng được ghi nhận vượt qua mốc 5 tỷ USD trong năm. Sự tăng trưởng này đã làm bùng nổ niềm tin rằng việc đầu tư vào trang trại cà phê có thể mang lại lợi nhuận hấp dẫn, khiến nhiều nhà rang, dù là những cơ sở nhỏ hay tập đoàn lớn, bắt đầu dòm ngó cơ hội kiểm soát chất lượng và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Một vùng nguyên liệu cà phê tại thôn Xuân Trường, Cầu Đất, Đà Lạt

Nhiều nhà rang đã thử trở thành nông dân cà phê

Sự hấp dẫn của mô hình này là điều dễ hiểu: kiểm soát toàn bộ quá trình từ hạt đến tách, đảm bảo nguồn cung ứng có đạo đức và tạo ra lợi thế cạnh tranh với những sản phẩm đến trực tiếp từ nông trại.

Ý tưởng về một nhà rang vận hành vùng nguyên liệu riêng gợi lên hình ảnh của một mô hình kinh doanh hài hòa, tích hợp theo chiều dọc, mang lại chất lượng vượt trội và bền vững, trong khi loại bỏ các khâu trung gian. Tuy nhiên, thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều.

“Một trong những động lực thúc đẩy nhà rang sở hữu vùng nguyên liệu là niềm đam mê với cà phê,” Nico Herr, Giám đốc điều hành tại Mountain Harvest Coffee nhận xét. “Nhưng để thực sự yêu một thứ gì đó, bạn phải hiểu rõ nó – hiểu mình đang tác động gì đến hệ sinh thái xung quanh. Vì cà phê không chỉ là sản phẩm, mà còn là văn hóa.”

Trong khi Press Coffee – một thương hiệu cà phê đặc sản lớn ở Mỹ tuyên bố mua lại một trang trại cà phê ở Panama vào năm 2024, hứa hẹn “hương vị độc đáo” cho khách hàng. Thì tại Việt Nam, đã có một thương hiệu cà phê đặc sản có tiếng tại Việt Nam từng tuyên bố xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Sơn La từ năm 2012, rồi đến Khe Sanh, Đà Lat, Kon Tum, v.v.., với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu cà phê đặc sản độc đáo, mang bản sắc riêng. Mặc dù, chúng ta chưa cần phải đề cập đến tính hiệu quả trong mô hình của họ. Nhưng rõ rằng, điều này phản ánh mong muốn chung của nhiều nhà rang: kiểm soát chuỗi cung ứng, minh bạch nguồn gốc và tích hợp tính bền vững vào mô hình kinh doanh của họ.

Những thực tế khắc nghiệt của nghề trồng cà phê

Trồng cà phê là một trong những ngành nông nghiệp đầy thử thách và rủi ro. Khác với việc rang xay và kinh doanh bán lẻ – những hoạt động có biên lợi nhuận cao hơn. Ngược lại, trồng cà phê đòi hỏi vốn lớn, lao động cường độ cao và đầy rẫy những biến số khó lường. Nông dân trồng cà phê phải đối mặt với biến đổi khí hậu, sâu bệnh, giá cả thị trường bấp bênh và sự thay đổi liên tục trong xu hướng tiêu dùng, đồng thời phải duy trì độ phì nhiêu của đất và tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác bền vững.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang đẩy vùng trồng cà phê lên độ cao lớn hơn. Nghiên cứu và mô phỏng khí hậu dự đoán rằng đến năm 2050, diện tích đất thích hợp cho sản xuất cà phê có thể giảm tới 50%. Canh tác cà phê hữu cơ và tái sinh – vốn được coi là tương lai của ngành cà phê bền vững – cũng đầy khó khăn. Độ phì nhiêu của đất phải được quản lý chặt chẽ, sâu bệnh phải kiểm soát mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp. Quá trình chứng nhận hữu cơ tốn kém cả về tài chính lẫn thủ tục, đặc biệt đối với những người mới bước chân vào lĩnh vực này.

Bạn có di sản hay gốc rễ ở đó không? bạn liệu có thể nào hiểu sâu sắc như những người đã sống và làm việc trên mảnh đất đó qua nhiều thế hệ.

Đầu tư vào ngành cà phê Việt Nam không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn mà còn cần kiến thức sâu sắc về thị trường và khả năng thích ứng với những đặc thù của địa phương

Trên thực tế, những thách thức trong việc vận hành vùng nguyên liệu thường lấn át các lợi ích tiềm năng. Các nhà rang bước vào lĩnh vực này thường kỳ vọng vào lợi thế về chất lượng cà phê, khả năng kiểm soát nguồn cung và tiềm năng sinh lời cao hơn. Tuy nhiên, nhiều người nhanh chóng nhận ra rằng những lợi ích này không dễ dàng đạt được. Chất lượng cà phê không chỉ phụ thuộc vào giống cây trồng mà còn vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và kỹ thuật canh tác, những yếu tố mà một nhà rang mới bước vào lĩnh vực nông nghiệp khó có thể kiểm soát hoàn toàn.

Việc tự chủ nguồn cung cũng không đơn giản do rủi ro thời tiết, sâu bệnh và sự biến động của thị trường. Hơn nữa, chi phí vận hành trang trại thường cao hơn nhiều so với dự tính ban đầu, khiến lợi nhuận kỳ vọng trở nên xa vời. Nhiều nhà rang bước vào lĩnh vực này thường bị choáng ngợp bởi thực tế quản lý đất đai, chi phí nhân công tăng cao và tính bất ổn của sản lượng nông nghiệp. Nhiều người đánh giá sai chi phí do không dự đoán được các thách thức như cơ chế, chính sách quản lý đất đai của nhà nước, suy giảm chất lượng đất, thiếu hụt lao động và cả vấn đề logistics.

Những kết quả đáng suy ngẫm

Không ít nhà rang gây chú ý khi công bố việc mua lại vùng nguyên liệu cà phê, nhưng hiếm khi có báo cáo tiếp theo về sự thành công bền vững của họ. Những thông tin về năng suất tăng cao, tạo thêm việc làm hay cải thiện quản lý đất đai ở đâu? Thực tế, những câu chuyện này thường vắng bóng, và lý do rất rõ ràng: phần lớn những nỗ lực này không mang lại lợi ích tài chính hay vận hành đáng kể.

“Có ví dụ nào thực sự thành công về một nhà rang mua đất và phát triển bền vững không?” Bạn có thể tự đặt câu hỏi như thế, và nhận thấy rất khó để tìm thấy câu trả lời. Quan trọng hơn, chúng ta đang đánh giá thành công dựa trên điều gì? Nếu đó là lợi nhuận, thì hầu hết các vùng nguyên liệu đều phải dựa chính sách và sự hỗ trợ của nhà nước. Có lẽ bài học lớn nhất là hiểu rõ vị trí của mình trong chuỗi cung ứng.

Canh tác không chỉ là vấn đề kỹ thuật – đó còn là tri thức văn hóa và kinh nghiệm truyền đời, mà phần lớn lại không thể truyền đạt bằng lời

Bên cạnh những nhà rang thực sự sở hữu và quản lý vùng nguyên liệu, một xu hướng đáng lo ngại đang nổi lên: “farmwashing” – khi các thương hiệu cà phê cố tình tạo dựng hình ảnh sở hữu nông trại để thu hút người tiêu dùng. Họ sử dụng hình ảnh trang trại, cây cà phê và người nông dân để tiếp thị, nhưng thực tế chỉ tham gia vào các hoạt động sản xuất theo mùa vụ hoặc hợp tác ngắn hạn mà không hề có sự sở hữu thực sự hay cam kết lâu dài.

Điều này không chỉ làm mờ ranh giới giữa sự thật và chiến lược marketing mà còn khiến người tiêu dùng lầm tưởng về mức độ minh bạch và bền vững của thương hiệu. Nhiều nhà rang tham gia vào trào lưu này với mục đích nâng cao giá trị thương hiệu mà không thực sự đối mặt với các thách thức của nghề nông. Tuy nhiên, khi làn sóng “farmwashing” ngày càng lan rộng, những người thực sự làm nông nghiệp bền vững có thể bị lu mờ, và lòng tin của khách hàng đối với các sáng kiến phát triển cà phê bền vững có nguy cơ bị xói mòn.

Ở khu vực Cầu Đất, Đà Lạt – nơi được mệnh danh là vùng Arabica ngon nhất Việt Nam – nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn lớn đã đổ xô đầu tư vào đất đai. Họ mua lại đất cà phê từ nông dân, thuê lao động địa phương để canh tác và sản xuất, với chiến lược “đầu tư nông nghiệp công nghiệp hóa” nhằm nhanh chóng thu hồi lợi nhuận, đánh đổi những tập quán canh tác truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, khi thị trường chuyển hướng, những doanh nghiệp này đã rút lui, để lại sự hỗn độn trong một vùng nông nghiệp vốn dĩ đã có truyền thống trồng cà phê bền vững qua nhiều thế hệ. Sự biến động này không chỉ làm suy giảm uy tín của ngành mà còn gây khó khăn cho nông dân, những người đã gắn bó với phương thức trồng cà phê truyền thống.

Hợp tác thay vì sở hữu

Mở rộng quy mô trang trại là một bài toán hoàn toàn khác so với việc mở rộng quy mô rang xay – một thử thách không chỉ đòi hỏi vốn, mà còn cần chuyên môn sâu rộng, sự kiên nhẫn và khả năng điều hướng hệ thống nông nghiệp của các nước sản xuất cà phê.

Với mỗi thương hiệu đang công bố việc sở hữu vùng nguyên liệu, có vô số câu chuyện chưa kể về những nhà rang đang vật lộn với khoản đầu tư nông nghiệp mới của họ. Nếu không có chiến lược rõ ràng và bền vững, những trang trại này rất dễ trở thành gánh nặng tài chính thay vì tài sản sinh lợi. Thay vì mua vùng nguyên liệu, các nhà rang nên tập trung vào việc củng cố mối quan hệ với những nông dân độc lập. Thông qua việc đảm bảo giá cả công bằng và cam kết thu mua dài hạn, họ có thể tạo ra chuỗi cung ứng bền vững mà không cần gánh chịu rủi ro lớn của việc sở hữu đất đai.

Nông dân Phước – một người đã dành gần như cả cuộc đời gắn bó với cây cà phê Arabica Cầu Đất

Những nông dân cà phê giỏi nhất là những người đã thừa hưởng tri thức qua nhiều thế hệ, dành cả đời để tinh chỉnh kỹ thuật canh tác. Nhà rang nên nhận thức rằng thế mạnh của họ nằm ở quá trình rang xay, xây dựng thương hiệu và phân phối – chứ không phải công việc nặng nhọc của nghề nông.

Cuối cùng, giấc mơ sở hữu vùng nguyên liệu cần được cân nhắc trên thực tế kinh tế. Sở hữu một vùng nguyên liệu cà phê có thể nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng với hầu hết các nhà rang, đó là một canh bạc tốn kém và không cần thiết – một quyết định hiếm khi mang lại lợi ích lâu dài và có thể gây tổn hại đến hệ sinh thái nông dân đã tồn tại từ lâu.


Nguồn tham khảo:

  • www.intelligence.coffee/ Why roasters shouldn’t buy coffee farms

/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Picture of Prime Magazine
Prime Magazine

Bạn đang xem Prime Magazine - Chuyên mục bài viết được đầu tư chuyên sâu về nội dung và hình ảnh, với giao diện tối giản giúp nâng cao trải nghiệm đọc.

Một bình luận

  1. Hưng cũng là nhà Rang, sau khi học về sơ chế cũng làm sơ chế ở Cầu đất mới có 3 năm. Và chất lượng cà nhân cũng khác biệt. Và cũng có quán để kiểm tra lại chất lượng. Thấy sự hợp tác và chia sẻ kiến thức trong ngành cafe là cần thiết. Mong được kết nối giao lưu ạ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

/ ĐÁNG CHÚ Ý /
Hoạt độ nước và chất lượng cà phê nhân xanh
Khoa học

Hoạt độ nước và chất lượng cà phê nhân xanh

Việc kiểm soát độ ẩm trong cà phê xanh từ lâu đã được xem là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng hạt. Quá trình sấy khô không đúng cách có thể gây ra nhiều lỗi nghiêm trọng,

Farmwashing – Mặt trái của tiếp thị cà phê đặc sản
Prime Magazine

Farmwashing – Mặt trái của tiếp thị cà phê đặc sản

Trong những năm gần đây, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm và mong muốn kết nối sâu sắc hơn với người nông dân đứng sau sản phẩm họ sử dụng. Điều này đặc biệt

Bảy kỹ năng cần có ở Barista chuyên nghiệp
Kỹ thuật pha chế

Bảy kỹ năng cần có ở Barista chuyên nghiệp

Đối với một số người, làm barista là cách tuyệt vời để kiếm thêm thu nhập bán thời gian trong khi đang học. Đối với những người khác, đó là bước đệm để quản lý hoặc sở hữu một quán

Tương lai của cà phê lọc - Filter Coffee
Dụng cụ & Thiết bị

Tương lai của cà phê lọc

Mặc dù espresso luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng các chuyên gia và người yêu cà phê, cà phê lọc thường được họ lựa chọn nhiều hơn. Trải nghiệm thưởng thức sự đơn giản của một tách

Tìm kiếm