Viết về cà phê trong thời kỳ khai sáng - Prime Coffee
NỘI DUNG CHÍNH

Suy cho cùng ấy chỉ là một loại quả, bên trong mỗi trái có hai nhân. Thủa ban sơ nó sinh trưởng như một bụi cây – hay lùm cây nhỏ, phải cố gắng lắm để có thể nhận ra nó dưới các vòm cây của cánh rừng nhiệt đới Ethiopia, hoặc chênh vênh trên các sườn núi, sườn đồi. Nhưng không đơn giản như vậy, cà phê đã là thức uống có ảnh hưởng đáng kể nhất đến loài người trong nhiều thế kỷ. Nó có thể được mô tả là một ngành kinh tế, một trong những mặt hàng nông sản có giá trị nhất thế giới và mang đến cú hích mạnh nhất trong số các loại chất kích thích được sử dụng rộng rãi.

Louis-Léopold Boilly, Les Amateurs de café, 1827
Minh họa những người phụ nữ uống cà phê của Jean Baptiste Vanmour (1671–1737)

Nền văn minh, trong trong vòng xoáy phát triển của nó, đã chỉ ra ba loại đồ uống (không cồn) quan trọng nhất: Lá trà – dẫn đầu lượng tiêu thụ, tiếp đến là hạt cà phê, và cuối cùng là hạt ca cao. Tuy nhiên, trong thương mại quốc tế, hạt cà phê chiếm một vị trí quan trọng hơn rất nhiều. Tất cả các quốc gia đều giữ cà phê ở một vị trí độc tôn, công nhận là một nhu cầu thiết yếu và là một hệ thống năng lượng hiệu quả. Đối với các dân tộc văn minh cà phê là một thức uống dân chủ, nó dành cho cả đàn ông & phụ nữ, với công việc với công việc vận dụng bộ não hay cơ bắp, và được hoan nghênh là chất bôi trơn đáng biết ơn nhất đối với “cỗ máy con người”.

Thuộc tính tỉnh thức của Caffeine

Giống như loài người, việc truy tìm nguồn gốc cà phê dẫn đến vùng đất Abisinia, mà ngày nay là Ethiopia – thuộc Đông Phi. Ai lại từng nghĩ rằng huyền thoại về một người chăn dê khiêm tốn sau phi phát hiện ra cây cà phê một cách ngẫu nhiên sẽ tiếp tục dẫn đến sự hình thành các quốc gia, các cuộc cách mạng và các phát minh khoa học tiên phong

Những người hút thuốc trong một quán cà phê Thổ Nhĩ Kỳ háo hức lắng nghe tin tức do một người truyền tin mang đến
Những người hút thuốc trong một quán cà phê Thổ Nhĩ Kỳ háo hức lắng nghe tin tức do một người truyền tin mang đến

Có thể là một sự may mắn thuần túy khi cà phê đến nơi mà chúng ta biết bây giờ là Trung Đông vào buổi bình minh của một thời kỳ học tập và giác ngộ chưa từng có trong thế kỷ 9 và 10. Cũng có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà trong 1.000 năm qua, trong hơn một vài lần, sự khám phá văn hóa về cà phê đã dẫn đến thế đối đầu với sức mạnh quyền lực toàn cầu: từ Ottoman, đến Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Mỹ. Nó có lẽ cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà các quá cà phê, hết lần này đến lần khác, đã định hình cách suy nghĩ mới, thách thức các hệ thống tư duy cũ và mở ra học hỏi và tranh luận.

Bất kỳ nơi nào cà phê  được mang đến, nó cũng báo hiệu một cuộc cách mạng. Nó là thứ thức uống cấp tiến nhất thế giới, vì tác dụng của nó là luôn luôn khiến con người phải tư duy. Và khi con người tư duy, họ trở nên nguy hiểm đối với những tên bạo chúa – William Ukers, All about Coffee

Thức uống cấp tiến

Thật vậy, một số tên tuổi vĩ đại nhất trong lịch sử đã sống trong một không gian – thời gian được bao quanh bởi văn hóa uống cà phê, và nhấm nháp hơn một vài tách – từ Isaac Newton, đến Beethoven, Napoleon,.. Trong một số trường hợp, ảnh hưởng của cà phê và quán cà phê đã làm dấy lên một số cuộc cách mạng, cuộc nội chiến và cuộc nổi dậy quan trọng nhất trong lịch sử. Có lẽ vẫn là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng đủ hợp lý để các nhà lãnh đạo tôn giáo, vua và chính trị gia ngửi thấy mùi cà phê, chỉ ngón tay và trong một số trường hợp là cấm hoàn thức uống này trong xã hội. Ấy thế mà cà phê chỉ vừa được tiêu thụ ở châu Âu trong bốn thế kỷ qua.

Voltaire và Balzac là những tín đồ cuồng nhiệt nhất của cà phê trong giới văn học Pháp. Say mê nhất có thể là Voltaire. Ngay cả khi về già, ông được cho là đã tiêu thụ năm mươi cốc mỗi ngày. Đối với Balzac cà phê hơn cả uống. Thói quen của ông ấy là đi ngủ lúc sáu giờ tối, ngủ đến mười hai giờ, để dậy và viết trong gần mười hai giờ sau đó, cà phê như một chất kích thích và là phép thuật cho các sáng tác này

William H. Ukers, All About Coffee
Quán cà phê The Blue Bottle là một trong những quán cà phê đầu tiên ở Vienna , Áo. Nó được thành lập vào năm 1686 bởi người Ba Lan Jerzy Franciszek Kulczycki – một anh hùng trong Trận chiến Vienna .

Cũng trong All About Coffee, William H. Ukers đã nêu, quán cà phê trở thành nơi tụ tập của giới trí thức, nhà các tân, những cá nhân xuất chúng và học giả, những người mà họ có cơ hội sẽ buôn chuyện và thảo luận bất tận. Chỉ có điều là sự trao đổi sinh động giữa các ý tưởng tại các quán cà phê này sẽ tạo ra những ý kiến tự do và cấp tiến. Thật vậy, việc tiêu thụ cà phê đã được liên kết ẩn sau với các phong trào phản kháng chính trị trong toàn bộ lịch sử của nó, ít nhất là cho đến thế kỷ XIX. Cà phê đã thúc đẩy tư duy rõ ràng và sống đúng bất cứ nơi nào được giới thiệu. Nó đã đi đôi với thế giới về phía trước khi tiến tới dân chủ.

Cà phê chỉ băng qua Đại Tây Dương đến thế giới mới (Châu Mỹ) chỉ 300 năm trước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nó đã chịu trách nhiệm cho việc hình thành các quốc gia, thể chế kinh tế – chính trị, duy trì chế độ nô lệ, làm nền tảng cho sự hiện thân của các tập đoàn thương mại khổng lồ và thành lập các tổ chức tài chính có sức ảnh hưởng đến sinh thái toàn cầu. Di sản của nó đã thấm vào nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, không chỉ là kinh tế, chính trị mà cả văn hóa, khoa học và văn học,.. Do đó, không hề khoa trương khi nói rằng, caffeine là “chất nền của xã hội văn minh.”

Kinh tế học của một chất gây nghiện

Ngày nay, cà phê là sinh kế của hơn 20 triệu người, nó là một loại cây trồng tốn rất nhiều công sức, vì hầu hết các công đoạn đều dựa vào lao động thủ công, những bàn tay chai sạn gieo hạt, chăm bón cho cây dưới bóng râm, trồng trồng lên các sườn đồi cho ngay hàng thẳng lối, cắt tỉa và bón phân, phun thuốc trừ sâu, tưới tấm, hái quả và rồi kéo lê những bao tải quả tươi nặng gần cả tạ. Công nhân phải điều chỉnh quy trình chế biến phức tạp loại bỏ vỏ và chất nhầy bao phủ nhân cà phê. Rồi nhân ấy phải được đem phơi khô nhiều ngày loại bỏ vỏ trấu và lớp màng lụa trước khi đóng bao bì để vận chuyển, rang, xay và pha chế trên khắp thế giới.

Có một điều mỉa mai không thể tránh khỏi trong ngành cà phê, đó là, phần lớn những người phải làm những công việc lặp đi lặp lại tại những nơi tươi đẹp nhất thế giới – với những núi lửa của vùng nhiệt đới làm nền cho phong cảnh trong một thiên đường về khí hậu nơi mà nhiệt độ hiếm khi nào dưới 21oC hoặc trên 27oC – những người lao động ấy chỉ kiếm được trung bình 3 đô la Mỹ mỗi ngày. Hầu hết bọn họ sống trong cảnh nghèo rớt mồng tơi, không có nước máy, điện đóm, chăm sóc y tế, hay thức ăn đầy đủ.

Sự tương phản giai cấp thấy rõ trong một ấn phẩm minh họa sản xuất cà phê từ năm 1840 | Ảnh wellcomecollection

Ngay sau khi cà phê rời bỏ nguồn gốc cùng khổ của nó để chu du nửa vòng trái đất rồi đáp xuống những bàn ăn sáng, những văn phòng và các quán bar sang chảnh trên đất Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản và những nước phát triển khác. Tại đây ẩm khách thị thành thường trả số tiền bằng nửa số tiền công nhật của một người lao động ở một nước thuộc thế giới thứ ba nào đó để có một cốc cà phê ngon lành.

Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành cà phê, lúc nào cũng có thể gặp những lời lẽ giống lên hồi chuông về sự bất công, đàn áp & cưỡng bức.. Nhưng không phải tất cả công nhân trồng cà phê trên những đồn điều đều bị bóc lột. Lỗi không nằm ở cây cà phê hay cách nó được vun trồng mà ở cách đối xử giữa các giai cấp xã hội – Mark Pendergrast, Uncommon Ground

Tại những nước sản xuất cà phê, danh sách những người kiếm sống từ loại hạt này vẫn còn được bổ sung dài dài, có những nhà xuất khẩu, những nhà nhập khẩu, và những nhà xay. có những thương nhân hăng máu trong những khu vực đấu giá của sàn giao dịch cà phê, khoa chân múa tay, gào thét, và làm giá một mặt hàng mà họ chẳng hề tận mắt nhìn thấy nó. Có những chuyên gia thẩm định cà phê (ngày nay chúng ta gọi là Cupping) dành cả ngày để xùy xụp, hít hà, rồi nhổ các ngụm nước cà phê họ nếm. Có những nhà bán lẻ mới nổi, nhà cung cấp thiết bị, công ty quảng cáo, v.v..

Hàng hóa, thức uống và nền văn minh

Một cốc cà phê ngon có thể biến một ngày tồi tệ nhất trở thành không đến nỗi, đem đến một khoảnh khắc trầm ngâm thưởng thức cực kỳ trọng yếu, nhen lại một cuộc tình. Tuy vậy, dù cho có hương vị nên thơ như thế, nhưng lịch sử của cà phê lại đầy rẫy những xung đột và đấu đá chính trị. Nó đã từng bị cấm như là một nhân tố xuối giục các cuộc cách mạng nổi dậy ở những nước Ả Rập và châu Âu, nó đã bị lăng mạ như một kẻ hủy hoại sức khỏe ghê gớm nhất hành tinh. Và lại từng được tung hô lên tận mây xanh vì đã phục vụ lợi ích cho nhân loại.

Cà phê nằm ở trung tâm của sự nô dịch đằng đẵng triền miên của những người Anh điêng gốc Maya ở Guatemala, truyền thống dân chủ ở Costa Rica, và sự tha hóa của Miền Tây hoang dã nước Mỹ. Khi Amin giết những người đồng hương Uganda của mình cà phê đã mang về cho ông ta gần như tất cả ngoại hối, và những người Sandino (tại Nicaragua) đã khởi xướng cuộc cách mạng của họ bằng cách trưng dụng đất trồng cà phê của Somoza.

Indian workers harvesting the crop on a coffee plantation. Coloured lithograph by Deroi, c. 1850, after J. M. Rugendas.
Nô lệ Ấn Độ thu hoạch vụ mùa trên một đồn điền cà phê. Tranh khắc màu năm 1850, bởi J. M. Rugendas | Ảnh wellcomecollection

Lúc đầu cà phê được coi như là thức uống có tác dụng chữa bệnh của tầng lớp tinh hoa, sau đó nó trở thành chất kích thích sành điệu được ưa thích bởi đám công nhân áo xanh trong giờ giải lao, thành kẻ khơi chuyện, buôn dưa lê trong nhà bếp của tầng lớp trung lưu, là keo dính lãng mạn cho những đôi lứa đang tán tỉnh, phải lòng nhau, và là người bạn chí cốt cay đắng, đơn độc cho những tâm hồn lạc lối sầu bi. Những quán cà phê là nơi chốn để người ta mưu đồ những cuộc cách mạng, nhả ra những thi phẩm và gây dựng chuyện làm ăn cũng như gặp gỡ bạn bè. Qua đó nó cà phê đã trở thành một phần “cốt tủy” trong văn hóa thế giới đương đại.

Chưa có đồ uống không cồn nào từng gặp phải nhiều sự phản đối như cà phê. Được nhà thờ trao cho thế giới và bảo chứng bởi nghề y, tuy nhiên nó vẫn phải chịu đựng sự mê tín tôn giáo và định kiến ​​y khoa. Sau hàng ngàn năm phát triển, nó đã trải qua những biến động chính trị khốc liệt, những chế tài ngu ngốc, những khoản thuế bất công, những đồn thổi vô lý; Nhưng, sống sót sau tất cả những điều này, nó đã đắc thắng chuyển đến một vị trí quan trọng nhất trong danh mục đồ uống phổ biến – William Ukers, All about Coffee

Nhà nhân học Eric Wolf đã nhận xét “Thế giới nhân loại tạo thành,.. một tổng thể của các quá trình liên kết với nhau, Cà phê cung cấp mối liên kết đáng kinh ngạc giữa các ngành, lịch sử, nhân học, xã hội học, tâm lý học, y học, kinh tế, và mang đến cách thức lần theo các tương tác tạo nên nền kinh tế toàn cầu” .

Thu hoạch cà phê ở Brazil, Minh hoạ của Candido Portinari 1940

Tốt xấu gì đi chăng nữa thì thiên trường truyện về ngành cà phê hiện đại đã khám phá ra những vấn đề trên phạm vi rộng lớn hơn như là: Vai trò của quảng cáo, sự phát triển của công nghiệp hóa, những vấn đề về phụ nữ, nhân quyền, những tập đoàn đa quốc gia, phân khúc thị trường, cà phê đặc sản hay Craf coffee,.. Lịch sử cà phê nhân, cũng phản ánh được tình trạng mất trọng tâm của cả một ngành công nghiệp, để cho các nhà rang xay nhỏ quyết định chất lượng và lợi nhuận – và rồi cứ thế xoay vòng, cá lớn nuốt cá bé các công ty lớn mua lại công ty nhỏ rồi tập trung và sát nhập.

Một mặt, hình thức độc canh của cà phê đã đưa đến nạn áp bức và chiếm hữu đất đai đối với người bản địa ở nhiều quốc gia, đẩy nền nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang chỉ phục vụ cho mục đích xuất khẩu, để rồi hoàn toàn phụ thuộc vào những thị trường nước ngoài, phá hủy những cánh rừng nhiệt đới, và làm suy thoái môi trường. Mặt khác cây cà phê là nguồn sống và thu nhập chính của nhiều nông hộ, là cơ sở để tiến hành thành công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa một đất nước và chính nó cũng tạo ra một mô hình kiểu mẫu về canh tác hữu cơ, thương mại bình đẳng, bảo toàn bóng râm, hay thân thiện với chim di trú,..

Chúng ta hiện đang chứng kiến một sự hồi sinh của cà phê trên khắp thế giới, vì những nhà rang xay nhỏ lẻ đang làm sống lại nghệ thuật pha chế cà phê và các ẩm khách lại tìm thấy niềm thích thú với cà phê rang nguyên chất, xay nguyên chất, pha nguyên chất và Espresso được làm từ những hạt nhân cà phê chuẩn mực nhất thế giới – Mark Pendergrast, Uncommon Ground

Nhân cà phê đã mang trong mình một ý nghĩa xã hội vượt xa chiều kích của một tách cà phê đen đơn thuần. Văn hóa cà phê hiện diện trên phạm vi toàn thế giới còn hơn cả một nét văn hóa nó là một giáo phái có nhiều hội nhóm thảo luận về nó trên mạng xã hội cùng với cơ man vô số các trang webs, hội nhóm,.. Còn những quán cà phê Starbucks thì hiện diện ở mỗi góc phố, mỗi con đường chen vai thích cánh với những quán và những chuỗi cửa hàng cà phê khác. Ấy vậy nhưng, nhân cà phê chẳng qua chỉ là một hạt của một thứ quả tươi từ một bụi cây trên đất Ethiopia mà thôi.


Nguồn tham khảo:

  • Uncommon Grounds: The History of Coffee and How it Transformed our World; Book by Mark Pendergrast
  • The Curious Barista’s Guide to Coffee; Book by Tristan Stephenson
  • All about Coffee: A History of Coffee from the Classic Tribute to the World’s Most Beloved Beverage’; Book by William H. Ukers
/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Picture of Prime Master
Prime Master

Bạn đang xem PrimeMaster - Chuyên mục bài viết được đầu tư chuyên sâu về nội dung và hình ảnh, với giao diện tối giản giúp nâng cao trải nghiệm đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

/ BÀI VIẾT TƯƠNG TỰ /
Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Năm 2020, Việt Nam sản xuất hơn 1,7 triệu kilôgam cà phê, chiếm 16% sản lượng toàn cầu¹. Trong khi câu chuyện về việc Việt Nam trở thành một gã khổng lồ trên thị trường cà phê quốc tế đã

Lịch sử Phin Cà phê Việt Nam - PrimeCoffee

Lịch sử Phin cà phê

Phin cà phê, một biểu tượng của văn hóa cà phê Việt Nam, đã tồn tại và phát triển qua hơn một thế kỷ. Được du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp trong thời kỳ thuộc địa, đây không

/ ĐÁNG CHÚ Ý /