Lịch sử Cafe thế kỷ 17-18: Tiếp cận Phương Tây và Mỹ La Tinh - Prime Coffee
Lịch sử Cafe thế kỷ 17-18: Tiếp cận Phương Tây và Mỹ La Tinh
NỘI DUNG CHÍNH

Người Thổ, sau khi thất bại trong việc độc quyền canh tác cây cà phê, đã vô tình để lọt vài hạt giống sang đất Ấn độ. Từ đây, cuộc viễn chinh của cà phê đã thực sự giông buồm qua nhiều đại dương, thoát ly khỏi Ả Rập, chiếm lĩnh Châu Âu và bám rễ trên khắp Mỹ La Tinh – tất cả chỉ diển ra trong hơn một thế kỷ vài chục năm.

Poster Lịch sử phân tán cà phê Arabica 2 - PrimeCoffee
Poster Lược sử chinh phục thế giới của cây cà phê, mô tả chi tiết các cuộc hành trình của những hạt cà phê khi chúng thực hiện những chuyến đi gian khổ giữa các lục địa – Tài lệu này có mặt tại thư viện tài nguyên của PrimeCoffee

Bạn đang có mặt tại phần 2 của chuỗi bài Lược sử cây cà phê, sau bước khởi đầu từ Ethiopia đến Ả Rập, cà phê đã tiếp cận các quốc gia phương tây và khu vực Mỹ La Tinh trước khi bước vào cuộc chinh phạt cuối cùng trong thế kỷ 18 – 19.

Cuộc du nhập của cà phê vào phương Tây

Vào năm 1616, người Hà Lan lúc này đang thống trị thương mại hàng hải trên khắp thế giới, họ đã mang được một cây cà phê từ Eden (một thành phố cảng của Yemen) về Hà Lan. Từ những con cháu của cây cà phê này, người Hà Lan bắt đầu trồng cà phê ở Ceylon (Sri Lanka ngày nay) vào năm 1658. Đến năm 1699 một người Hà Lan khác đã mang cây cà phê từ Malabar (tây nam Ấn Độ) về trồng tại Java, từ đó việc canh tác lan ra các vùng khác như Sumatra, Celebes, Timor, Bali và những hòn đảo khác của vùng Đông Ấn. Rất nhiều năm tiếp theo, sản lượng cà phê của vùng Đông Ấn thuộc Hà Lan đã định giá cà phê trên thị trường thế giới.

Một ấn phẩm từ năm 1879 mô tả sản xuất cà phê ở Đông Ấn Hà Lan (Indonesia) | Ảnh worldhistorycommons

Nói về việc uống cà phê ở phương Tây, người duy nhất có đủ danh tiếng để được ghi chép lại với vai trò là người đầu tiên uống thử cà phê – là Giáo hoàng Clement VIII, qua đời năm 1605, ông đã nếm thử thức uống của người Hồi giáo theo sự khẩn nài của các vị linh mục – Và rồi, trớ trêu thay, ông lại ban lệnh cấm nó. “Tại sao cái thức uống của quỷ Satan này lại quá tuyệt vời như vậy,  thật là đáng tiếc nếu để cho những kẻ vô đạo được độc quyền sử dụng nó” ông đã tuyên bố như vậy và biến nó thành “thứ thức uống thuần khiết Ki-tô”.

Nửa đầu thế kỷ 17, cà phê vẫn còn là thức uống lạ lẫm và hiếm hoi giống như đường, ca cao và trà. Ban đầu cà phê được sử dụng như một loại dược phẩm đắt đỏ của những người thuộc tầng lớp trên. Tuy nhiên, 50 năm tiếp theo những người Châu Âu đã khám phá ra lợi ích về mặt xã hội cũng như dược năng của thứ “thức uống Ả Rập”. Quán cà phê đầu tiên được mở ở Venice vào năm 1863 đánh dấu cho sự chinh phục của cà phê trên lục địa Châu Âu. Quán cà phê này được đặt tên theo thứ thức uống mà nó phục vụ “caffè ” nhanh chóng đồng nghĩa với một nơi dành cho các cuộc nói chuyện thoải mái, rôm rã.

Cà phê tại Pháp – Cuộc cách mạng tốt lành của thời đại

Thật ngạc nhiên, là nếu căn cứ vào niềm đam mê cà phê sau này, thì không ai nghĩ người Pháp đã chậm chân hơn người Ý và Anh trong việc du nhập cà phê. Nhưng những tác động xã hội mà thứ “vàng đen” này gây nên tại Pháp – Khó có nhà sử học nào quên nhắc đến.Trước tiên là vào năm 1669, khi đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, giới thiệu cà phê đến với các buổi tiệc xa xỉ của ông tại Paris, Đây là lần đầu những vị khách người pháp học cách tao nhã ngồi nghế nhắm nháp cà với chiếc quần thụng của họ trong một khung cảnh sang trọng – Ấy là một kiểu cách lạ lẫm.

Quán Café de Procope được thành lập vào năm 1869 (có tài liệu cho rằng vào năm 1868) – Tại Paris, là một trong những quán cà phê lâu đời nhất vẫn còn hoạt động đến ngày nay,

Giai đoạn đầu các bác sĩ người pháp vẫn còn lo ngại về tác động của cà phê đến sức khỏe và dấy lên vô số tội vạ liên quan đến đồ uống này. Phải đến năm 1689, khi Francois Procope – một người ý nhập cư mở quán Café de Procope thì các quán cà phê kiểu pháp thực sự mới đào sâu bén rễ. Sử gia người Pháp Michelet đã miêu tả sự xuất hiện của cà phê như là cuộc cách mạng tốt lành của thời đại, sự kiện vĩ đại đã tạo nên một phong tục mới, và thậm chí còn xoa dịu tính khí con người”. Cà phê đã làm giảm lượng tiêu thụ thức uống có cồn trong khi mang đến một nơi “động não” tuyệt vời rồi cuối cùng thai nghén nên cuộc cách mạng Pháp.

Thảo luận về cuộc chiến tại một quán cà phê ở Paris – minh họa trên tờ The Illustrated London News ngày 17-9-1870

Cà phê sữa kiểu Pháp – Café au Lait

Tại Pháp, càng ngày người ta càng gặp gỡ nói chuyện bên tách cà phê nhiều đến nỗi mà cà phê không còn khó uống như ở Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Vào năm 1710, thay vì nấu sôi cà phê. Người pháp cho bột cà phê nghiền vào một túi vải rồi thả vào nước sôi, sau đó rót nước ấy ra tách (vâng ! chúng ta đang nói đến lịch sử của cà phê Vợt – Việt Nam). Ngay sau đó, họ phát hiện ra một thú vui khác, là thêm sữa vào cà phê. Nữ nhà văn de Sesvigné đã tuyên bố cà phê pha như thế này là điều đẹp đẽ nhất thế gian, và rất nhiều thế hệ người pháp đã uống Café au Lait – cà phê sữa vào buổi sáng.

Nói thêm về vấn đề của cà phê và… Sữa, nhà sử học về cà phê Ian Bersten tin rằng việc người Ả Rập ưa vị cà phê đen, còn cả một châu Âu rộng lớn (và sau này là cả người Mỹ) có thói quen chuộng cà phê với Sữa là do một phần của đặc điểm gen. Người Anglo-Saxon có thể quen với sữa, trong khi người ở vùng Địa Trung Hải người Ả Rập, người Hi Lạp ở đảo Síp và người ở miền nam Ý, có xu hướng không thích sữa. Đó là lý do họ uống cà phê nguyên vị không pha trộn gì – dù đôi khi thêm đường rất ngọt.

Từ hai đầu của châu Âu, cuối cùng thì cũng có hai lối pha chế cà phê hoàn toàn khác nhau cho thứ hàng hóa mới mẻ này – Một là pha phin ở vùng Bắc Âu, còn Nam Âu là phong cách Espresso – Ian Bersten

Cà phê trong cuộc đại xâm lược nước Anh

Giống như dòng nước đen chảy xiết, cơn bão cà phê đã trút xuống cả nước Anh sương mù, nhưng cơ man nào đó, đất nước này lại đón nhận cà phê ngay tức khắc thay vì phản vệ bằng một làn sóng bài trừ như tại Pháp, Đức.. Đó là vào năm 1650, tại trường đại học Oxford, nơi mà Jacobs – một người do thái gốc Lebanon đã mở quán cà phê đầu tiên.

Hai năm sau, ở Lodon,  Pasqua Rosée  – một người Hy Lạp đã mở quán cà phê và cho in bảng quảng cáo với nội dung là “các giá trị của Cà Phê” (The Vertue of the COFFEE Drink) Pasqua Rosée đã đưa ra các lời khuyên “tâng bốc” cà phê chưa từng có trước đó bao gồm cả việc cà phê tốt cho đường tiêu hóa, chữa đau đầu, trị cả ho, lao phổi, phù nề, bệnh gút…

Quán cà phê – Coffee House ở London, Anh, những năm 1700

Cà phê, và các quán cà phê đã thổi bay London với sức mạnh của một cơn bão, tính đến năm 1700, có hơn 2000 quán cà phê ở London, số gian hàng, và số tiền thuê gian hàng dành cho cà phê nhiều hơn bất cứ ngành thương mại nào. Mỗi quán cà phê thì lại có một kiểu khách hàng đặc trưng, muôn hình vạn trạng. Có quán dành cho các nhà Vật Lý Học, có quán thì phục vụ các anh em trong đạo Tin lành, Công giáo, Do thái giáo, giới trí thức, nhà buôn, đảng viên các phe phái .v.v..

Di sản còn lại trên đất Anh

Tuy vậy không may thay, trước sự phát triển vũ bảo của cà phê trên đất Anh, làn sóng này nhanh chóng gặp phải sự phản đối, không đâu xa lạ mà từ các “bà vợ”. Những lời phản pháo gay gắt nhất nhắm vào các quán cà phê tại London, khi các bà vợ (khác với các khu vực khác, tại Anh phụ nữ không được cho đi cà phê cùng) đã cho rằng các ông chồng mất dần dũng khí của “đức lang quân Ăng-Lê” xưa khi “lê la” ở quán cà phê..

Mọi việc càng, Tệ hơn khi vào ngày 29 tháng 12 năm 1675 Vua Charles II  ban hành tuyên bố cấm hoạt động đối với các quán cà phê, bởi lẽ chúng đã trở thành “nơi bù khú tuyệt vời cho những kẻ lười biếng và bất mãn”. Tuy nhiên vấn đề chính (một lần nữa mang màu sắc chính trị) là vì các quán cà phê là nơi xuất hiện của các lời xuyên tạc, chống phá bệ hạ và sự yên bình của Vương Quốc.

Và thật mỉa mai thay, suốt thể kỷ 18, người Anh lại bắt đầu uống trà thay vì cà phê. Cho đến năm 1730 hầu hết các quán cà phê đều chuyển thành câu lạc bộ dành cho đàn ông, mang tính riêng tư hoặc các quán ăn bình dân.

Cà phê đến các nước Mỹ La Tinh

Vào năm 1714, người Hà Lan đã tặng cho chính phủ Pháp một cây cà phê tươi tốt, và chín năm sau, một sĩ quan hải quân nghiện cà phê, Gabbriel Mathieu de Clieu, đã giới thiệu việc canh tác cà phê đến thuộc địa Pháp là Martinique (một hòn đảo ở vùng Caribbean). Sau những nỗ lực vận động triều đình, ông đã mang được cây cà phê đời sau của người Hà Lan trong vườn bách thảo Paris và chăm sóc nó trong suốt hành trình vượt Đại Tây Dương.

Minh họa Gabbriel Mathieu de Clieu và cây cà phê của ông | Ảnh Wikimedia

Trải qua vô số tai ương trên hành trình vượt đại dương, từ cướp biển, bão tố, đến lênh đênh trên vùng xích đạo, san sẻ lượng nước ngọt hiếm hoi mà ông có.. Và cuối cùng, cây cà phê này đã bám rễ trên đất Martinique, vươn mình xum xuê – chỉ từ một cây đơn độc, và bao nhiêu nguồn cung cà phê trên thế giới ngày này, có lẽ đã chỉ sinh ra từ nó.

Cây cà phê mà tướng de Clieu mang đi thuộc giống A. Typica. Vào năm 1718, tại hòn đảo Bourbon (sau đổi tên là Réunion) , người Pháp đã trồng thành công những hạt cà phê giống mang về từ Mocha – Sau này phổ biến với tên gọi Bourbon

Chuyện tình cà phê trên xứ Guiana

Francisco de Melho Palhate
Francisco de Melho Palhate người đã mang cây cà phê về Brazil

Vào năm 1727 trong một cuộc tranh chấp biên giới, những nhà cầm quyền Pháp và Hà Lan ở Guiana đã yêu cầu một quan chức người gốc Bồ Đào Nha và Brazil tên Francisco de Melho Palhate đứng ra làm trung gian phân xử. Cuộc dàn xếp trót lọt, và ông quan chức còn ăn nằm với Phu nhân của thống đốc bên thuộc địa Pháp. Khi Palhate rời đi, bà phu nhân đã tăng ông một bó hoa với các quả cà phê chín mọng được giấu bên trong. Palhate đã trồng những hạt giống trên đất Para (Paraná) quê nhà, và từ đây cây cà phê dần được nhân rộng về phía nam.

Từ cuộc tình này, cây cà phê đã sang một chương mới trên lãnh thổ Brazil nói riêng, và Nam Mỹ nói chung. Trong  suốt thế kỷ tiếp theo, nhân cà phê đã góp phần hình thành nên luật pháp, thể chế chính phủ, trì hoãn quá trình xóa bỏ chế độ nô lệ, làm trầm trọng thêm tình trạng bất công, tác động đến môi truờng tự nhiên… Và đồng thời mang đến động cơ mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của Brazil.

Từ việc khuấy động các cuộc nổi dậy ở các quán cà phê đến ủng hộ Cách mạng Công nghiệp, hạt cà phê cùng với caffein của nó đã thúc đẩy sự thay đổi toàn cầu trong thế kỷ 18-19, cùng xem phần cuối trong chuỗi bài lịch sử cà phê: Cà phê trong cuộc chinh phạt cuối cùng.


Nguồn tham khảo:

  • Theo Sách Hành Trình Cà Phê | Lịch sử thế giới quanh ly cà phê (Uncommon grounds: The history of coffee and how transformed our world).
  • All About Coffee – Book by William H. Ukers (1922) International Copyright Secured All Rights Reserved in U.S.A. and Foreign Countries.
/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Picture of ng.tg.haivan
ng.tg.haivan

Cà phê mà không có con người chỉ là một cấu trúc mang tính lý thuyết. Con người không có cà phê ở một chừng mực nào đó cũng thiếu đi tính vẹn toàn.
-- Pour Your Heart Into It (1997) --

Picture of ng.tg.haivan
ng.tg.haivan

Cà phê mà không có con người chỉ là một cấu trúc mang tính lý thuyết. Con người không có cà phê ở một chừng mực nào đó cũng thiếu đi tính vẹn toàn.
-- Pour Your Heart Into It (1997) --

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BẠN ĐANG TÌM ĐIỀU GÌ ??

QUẢNG CÁO "NHÀ TRỒNG"

» Ghé thăm Thư Viện Tài Nguyên để xem các nội dung mới từ PrimeCoffee!

VỀ PRIME COFFEE

PrimeCoffee không được vận hành bởi những chuyên gia và cũng không có động cơ thương mại thực sự, đây là một nơi dành cho bất kỳ ai yêu thích cà phê. Chia sẻ kiến thức một cách chuyên nghiệp & minh bạch là ưu tiên hàng đầu của Prime, không có quảng cáo và không gây nên xung đột lợi ích tiềm ẩn cho bất kỳ mắt xích nào trong ngành cà phê. Để đạt được điều này Prime luôn biết ơn sự đóng góp & ủng hộ của các bạn đã giúp Prime hữu ích hơn với cộng đồng – Tất cả sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu đi các bạn!

Vì không có gì khác ở đây ngoài nội dung học thuật, nên PrimeCoffee luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác cũng như mong muốn người khác tôn trọng quyền của Prime! Bạn có thể sử dụng, chia sẻ các thông tin trên đây miễn là tuân thủ theo các nguyên tắc Bản Quyền của PrimeCoffee. Chúng mình luôn sẵn sàng nhận các phản hồi, bình luận để giúp trang tin tốt hơn và cuối cùng, đừng quên ghé thăm Fanpage để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!

 

/ BÀI VIẾT TƯƠNG TỰ /
Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Năm 2020, Việt Nam sản xuất hơn 1,7 triệu kilôgam cà phê, chiếm 16% sản lượng toàn cầu¹. Trong khi câu chuyện về việc Việt Nam trở thành một gã khổng lồ trên thị trường cà phê quốc tế đã

Lịch sử Phin Cà phê Việt Nam - PrimeCoffee

Lịch sử Phin cà phê

Phin cà phê, một biểu tượng của văn hóa cà phê Việt Nam, đã tồn tại và phát triển qua hơn một thế kỷ. Được du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp trong thời kỳ thuộc địa, đây không

/ ĐÁNG CHÚ Ý /