NỘI DUNG CHÍNH

Giống như bất kỳ ngành công nghiệp nào, nơi những cá nhân ưu tú định hình và dẫn dắt sự phát triển, ngành cà phê cũng có những “ngôi sao” nổi bật. Trong đó, cà phê đặc sản chính là biểu tượng đỉnh cao của ngành, với sức hút mạnh mẽ kể từ làn sóng cà phê thứ ba. Không thể phủ nhận rằng, sự phát triển vượt bậc của cà phê đặc sản, nhờ vào nỗ lực của các chuyên gia, nhà khoa học, và những nhà sáng lập các thương hiệu danh tiếng. Thế nhưng, sự mở rộng không ngừng này cũng kéo theo sự xuất hiện của ngày càng nhiều danh xưng “chuyên gia”. Danh xưng ấy liệu thực sự mang ý nghĩa gì? Nó có phản ánh đúng giá trị mà những người làm cà phê đang đóng góp cho ngành hay không?

Trong lịch sử, những biểu tượng như Erna Knutsen, James Hoffman, hay Scott Rao đã định hình ngành cà phê đặc sản toàn cầu bằng kiến thức, tầm nhìn và sự cống hiến. Thế nhưng, khi nhìn về hiện tại, chúng ta có thể gọi tên ai như một “chuyên gia” thực sự đại diện cho lĩnh vực này?

Chuyên gia – một danh xưng vừa hấp dẫn vừa gây tranh cãi – đã trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận về vai trò, giá trị và đóng góp của họ đối với ngành cà phê. Bài viết này không chỉ đặt ra câu hỏi về tính thực chất đằng sau danh hiệu này, mà còn phân tích những hệ quả từ việc chuyên môn hóa quá mức hoặc chạy theo danh xưng một cách hời hợt. Chúng tôi hy vọng rằng, qua những góc nhìn đối lập được chia sẻ, độc giả sẽ có cơ hội nhìn nhận sâu hơn về bản chất của ngành cà phê đặc sản và những người đang làm nên điều đó.

Influencers in coffee aren’t just former competitors any more
Danh xưng “Chuyên gia” liệu có thực sự phản ánh giá trị mà những người làm cà phê đóng góp, hay chỉ là sự tô điểm bề ngoài? Đây là câu hỏi cần được xem xét thấu đáo trong bối cảnh ngành ngày càng phát triển và phức tạp.

Sự khác biệt trong định nghĩa “chuyên gia cà phê”

Tại các quốc gia tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản, chuyên gia cà phê thường tập trung vào pha chế, thu mua và rang xay – những lĩnh vực trực tiếp phục vụ trải nghiệm của khách hàng cuối cùng. Ngược lại, ở các quốc gia sản xuất như Việt Nam và Colombia, chuyên gia cần kiến thức sâu rộng về canh tác, chọn giống, bảo vệ cây trồng, chế biến sau thu hoạch, và kiểm soát chất lượng – những yếu tố quyết định chất lượng hạt cà phê. Sự chuyên biệt này phản ánh tính chất thị trường: quốc gia tiêu thụ tập trung vào giai đoạn hoàn thiện sản phẩm, trong khi quốc gia sản xuất lại phải giải quyết toàn bộ chuỗi giá trị từ nông trại đến nhà xuất khẩu. Do đó, khái niệm “chuyên gia cà phê” trở nên khó định hình và ít đồng nhất hơn so với các ngành nghề có tiêu chuẩn rõ ràng như lập trình hay kỹ sư.

So với các ngành nghề khác như kỹ sư, bác sĩ, hoặc nhà nghiên cứu khoa học, việc đạt được danh xưng chuyên gia trong ngành cà phê dường như quá đơn giản. Hầu hết các chứng nhận chuyên gia, chẳng hạn của Hiệp hội Cà phê Đặc sản (SCA), chủ yếu tập trung vào một số tiêu chuẩn hiện hành như đánh giá cảm quan, kỹ thuật pha chế, hoặc kỹ năng rang xay. Những kiến thức này tuy cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để bao quát ngành cà phê, nhất là ở các thị trường đặc biệt.

Ngành cà phê vốn là sự giao thoa của nhiều lĩnh vực như nông học, hóa học, vi sinh học và công nghệ thực phẩm. Tuy nhiên, hầu như bất cứ “người bình thường” nào cũng có thể trở thành chuyên gia cà phê chỉ bằng cách tập trung vào các khóa học ngắn hạn hoặc các chứng nhận cảm quan mà không đầu tư vào các kiến thức liên ngành. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu “chuyên gia” chỉ đơn thuần là một danh xưng được mua bằng tiền và thời gian?

Việc trở thành một thợ rang cà phê – theo tiêu chuẩn của SCA thường cần khoảng 300-500 giờ thực hành trong một môi trường làm việc thực tế, và tiêu tốn khoảng 1.000 USD. Trong khi đó, để nắm vững các kiến thức chuyên sâu như nhiệt động học, hóa học thực phẩm, và kỹ thuật chế biến & rang xay cà phê trong một chương trình đào tạo chính quy, người học cần đầu tư từ 2 đến 5 năm học tập toàn thời gian tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu chuyên ngành. So với chi phí và công sức đào tạo một bác sĩ hay kỹ sư, hành trình trở thành chuyên gia cà phê rõ ràng ngắn gọn và hạn chế hơn rất nhiều.

Why coffee competitions are falling out of favour
Cà phê đặc sản, một khái niệm được định nghĩa bởi Hiệp hội Cà phê Đặc sản (SCA), và “chuyên gia cà phê” thường được đào tạo và cấp chứng chỉ theo các tiêu chuẩn của SCA, từ đó trở thành một lực lượng thị trường có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc một cá nhân sở hữu chứng nhận SCA không nhất thiết đồng nghĩa với việc họ là chuyên gia toàn diện về cà phê.

Khoảng cách với thị trường cà phê phổ thông

Ngành cà phê đặc sản chỉ chiếm một phần nhỏ (SCA, 2020) trong tổng thị trường cà phê toàn cầu. Số lượng cà phê đặc sản bán ra mỗi ngày là không đáng kể so với cà phê phổ thông. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia chỉ tập trung vào việc theo đuổi các tiêu chuẩn đặc sản, tham gia các cuộc thi, hoặc đào tạo thêm những người giống họ, thay vì tối ưu hóa quy trình sản xuất hay gia tăng giá trị thực tiễn cho ngành.

Hãy nhìn vào một ví dụ cụ thể: các cuộc thi barista tầm cỡ thế giới. Trong khi chúng tạo nên tiếng vang trong cộng đồng cà phê đặc sản, liệu bao nhiêu phần trăm khách hàng thực sự cần đến kỹ năng pha chế đẳng cấp thế giới trong tách cà phê hàng ngày của họ? Hơn nữa, các chuyên gia hiếm khi tham gia vào các hoạt động nghiên cứu phát triển, cải tiến công nghệ, hay nâng cao hiệu quả sản xuất. Thay vào đó, họ tập trung tạo ra một “lò nhân bản” chuyên gia thông qua các chứng nhận SCA, mà giá trị thực tiễn đối với ngành cà phê phổ thông gần như bằng không.

Các cuộc thi pha chế cà phê từ lâu được xem là đỉnh cao của ngành cà phê đặc sản, nơi nhiều chuyên gia pha chế đã khẳng định tên tuổi và xây dựng sự nghiệp từ thành công của mình. Tuy nhiên, những năm gần đây, sức hút của các cuộc thi này dần suy giảm. Người tiêu dùng ngày càng cảm thấy luật lệ phức tạp, thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, và những khái niệm xa lạ tạo ra khoảng cách lớn giữa họ và cà phê đặc sản. Bên cạnh đó, xu hướng từ chối chủ nghĩa tinh hoa và chấp nhận cà phê như một nhu yếu phẩm thay vì một món hàng xa xỉ cũng làm giảm sự quan tâm, khiến những cuộc thi không còn đóng vai trò thúc đẩy kết nối với thị trường cà phê phổ thông.

How championship barista training is redefining Asia’s specialty coffee market
Theo truyền thống, ngành cà phê đặc sản vận hành như một chế độ trọng dụng nhân tài, trong đó các cuộc thi cà phê đóng vai trò trung tâm. Nhiều ngôi sao và nhà lãnh đạo tư tưởng trong ngành đã trưởng thành từ hệ thống này

Mặt khác, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, sự phổ biến của các cuộc thi pha chế cà phê trong giới chuyên gia đã giảm sút. Từng là con đường tạo ra những siêu sao cà phê, các sự kiện này hiện đối mặt với chỉ trích về tính ưu tú và sự không liên quan đến thực tế của ngành cà phê. Một số ý kiến phàn nàn về các quy tắc và tiêu chí đánh giá liên tục thay đổi – đến từ đội ngũ chuyên gia & ban giám khảo gây khó khăn và thất vọng cho người tham gia.

Thật nản lòng khi các thí sinh phải luyện tập trong nhiều tháng liền, đầu tư mạnh vào cà phê, thiết bị và đội ngũ, rồi lại nhận được phản hồi vô lý từ một giám khảo có CV đáng ngờ!

Charlotte Malaval – Vô địch WBC năm 2015 và hai lần vô địch Barista quốc gia Pháp

Lầm tưởng chuyên gia là mục đích của sự nghiệp cà phê

Nếu nhìn lại, mục tiêu cốt lõi của cà phê là kết nối, khơi nguồn năng lượng và tạo ra giá trị cho đại chúng, chứ không phải là một biểu tượng của sự xa xỉ hay tầng lớp đặc quyền. Tuy nhiên, hiện nay, danh xưng chuyên gia đôi khi bị nhầm lẫn là đích đến của ngành cà phê, khiến nó mất đi sự tập trung vào giá trị cốt lõi. Điều này không chỉ làm giảm ý nghĩa của ngành cà phê đặc sản mà còn khiến nó xa rời thực tế.

Cà phê không nổi tiếng vì sự đặc biệt hay cao cấp. Lịch sử ngành cà phê gắn liền với tính bình dân, khả năng tiếp cận rộng rãi và giá cả hợp lý. Chẳng hạn, sự phổ biến của cà phê hòa tan trong thế kỷ 20 cho thấy chính sự tiện lợi và giá rẻ đã đưa cà phê đến với hàng triệu người trên thế giới.

Thay vì tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa người tiêu dùng thông qua tình yêu chung dành cho cà phê, xu hướng ngày càng tập trung vào phương tiện truyền thông và xây dựng hình tượng cá nhân của một bộ phân chuyên gia có thể vô tình tạo ra sự chia rẽ. Những người uống cà phê phổ thông, vốn không quá quan tâm đến các yếu tố phức tạp của ngành, có thể cảm thấy bị xa lánh bởi các thông điệp hoặc hình ảnh quá chuyên biệt và mang tính cá nhân hóa cao. Thay vì thu hút họ tham gia vào sự phát triển của văn hóa cà phê, cách tiếp cận này lại đẩy họ ra xa, làm mất đi cơ hội mở rộng và đa dạng hóa cộng đồng những người yêu thích cà phê.

Ngoài ra, làm việc trong ngành cà phê đặc sản đòi hỏi sự kết hợp độc đáo giữa kỹ năng, thời gian, sự tận tụy, tính chuyên nghiệp và niềm đam mê. Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc biến tình yêu cà phê thành một sự nghiệp bền vững là một thách thức không nhỏ. Thực trạng là mức lương thấp, tính cạnh tranh cao và cơ hội phát triển nghề nghiệp hạn chế đã khiến nhiều cá nhân tài năng chọn rời bỏ ngành, tìm kiếm những công việc có thu nhập cao hơn và lộ trình thăng tiến rõ ràng hơn ở các lĩnh vực khác, thay vì phấn đấu để trở thành “chuyên gia” cà phê.

Are we experiencing a specialty coffee brain drain?
Các chuyên gia đang làm việc để thúc đẩy sự đổi mới trong ngành cà phê đặc sản. Tuy nhiên, những cải tiến của ngành công nghiệp đặc sản có thể không phải lúc nào cũng phù hợp với những gì người tiêu dùng nói chung quan tâm.

Danh xưng “chuyên gia cà phê” không nên chỉ dựa trên những danh hiệu một cá nhân đạt được hay số lượng người theo dõi trên các nền tảng truyền thông xã hội. Thay vào đó, nó được xây dựng từ những hành động hàng ngày và giá trị thực sự mà chuyên gia có thể đóng góp cho ngành cà phê. Đó là sự tận tâm, chia sẻ kiến thức và nỗ lực không ngừng để phát triển cộng đồng cà phê, vượt ra ngoài sự cạnh tranh và ánh hào quang của mạng xã hội.

Kiến thức nền tảng yếu kém và hệ lụy dẫn dắt sai lầm

Một điểm tích cực của ngành cà phê đặc sản là khả năng chuyển giao các kỹ năng đã được mài giũa trong quá trình làm việc rất linh hoạt. Chuyên môn về dịch vụ khách hàng, kỹ thuật thủ công, và kiến thức sản phẩm giúp nhiều chuyên gia thành công khi mở rộng sang các lĩnh vực như đào tạo, tư vấn, hoặc sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, việc chuyển từ những cơ hội phát triển ban đầu – chẳng hạn như tham gia các cuộc thi pha chế – sang các lĩnh vực sâu hơn như rang xay, bán buôn, hay tiếp thị, lại đòi hỏi cam kết lâu dài và nguồn lực đáng kể, chứ không chỉ dựa vào danh tiếng nhất thời.

Điều này phần nào phản ánh rằng khái niệm “chuyên gia cà phê” vẫn khá linh hoạt trong cách định nghĩa. Một “chuyên gia” có thể là người pha cà phê ngon, nhưng cũng có thể đơn giản là người biết cách truyền tải câu chuyện hoặc kiến thức về một khía cạnh nào đó của cà phê một cách cuốn hút.

Sự công nhận và sức ảnh hưởng mà các cá nhân nổi tiếng trong ngành nhận được đã tạo nên một môi trường nơi cái tôi dễ dàng phát triển mạnh mẽ. Một số chuyên gia cà phê tự coi mình là người định hình “chuẩn mực” của văn hóa cà phê chính thống, áp đặt quan điểm cá nhân lên cộng đồng. Địa vị này không chỉ tạo ra những người hâm mộ trung thành và thương hiệu cụ thể, mà còn củng cố vị thế của họ trong một mạng lưới liên kết chặt chẽ, mang tính độc quyền và xa cách với phần còn lại của ngành.

Ai là “Chuyên gia” trong ngành cà phê đặc sản?
Địa vị cao của các chuyên gia trong ngành cà phê đặc sản đã góp phần thúc đẩy văn hóa độc quyền, đôi khi dẫn đến những hành vi tùy tiện dẫn gây càn trở sự phát triển của ngành.

Mặt khác, việc trở thành chuyên gia mà thiếu đi kiến thức nền tảng vững chắc vô tình dẫn dắt ngành cà phê vào lối mòn, với nhiều phương pháp không hữu ích và đi ngược lại khoa học. Nhiều người sẵn sàng học theo các chuyên gia “nửa mùa” mà không hiểu rõ cơ chế thực sự của công việc họ đang làm. Ví dụ, gần đây chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của nhiều phương pháp sơ chế và “lên men mới”, bao gồm cả thẩm thấu hương (infused) hay lên men đồng thời (co-fermentation). Những phương pháp này thường không có ý nghĩa khoa học rõ ràng, chỉ phức tạp hóa vấn đề và khó áp dụng ở quy mô công nghiệp.

Hiện tượng này không chỉ gây nhầm lẫn cho những người yêu thích mới gia nhập ngành cà phê mà còn tạo nên ấn tượng rằng chuyên gia cà phê là điều gì đó phức tạp, khó hiểu hoặc cao cấp. Trong khi đó, bản chất của các vấn đề liên quan đến cà phê, từ nông nghiệp đến chế biến, đều rất khoa học, đơn giản và đã được khám phá từ lâu. Việc xa rời những nguyên tắc cốt lõi này không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn làm giảm sự phát triển bền vững của ngành.

Nhìn về mặt tích cực

Dẫu vậy, chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các chuyên gia trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành cà phê đặc sản. Các nhà khoa học đầu ngành đã có những đóng góp đáng kể trong việc khám phá các vấn đề về cảm quan, chiết xuất, rang xay và áp dụng chúng vào thực tiễn. Những nỗ lực này không chỉ nâng tầm cà phê mà còn đặt nền móng để ngành này phát triển ngang hàng với các ngành công nghiệp như rượu vang, phô mai hoặc sữa.

Như bất kỳ lĩnh vực nào khác, cà phê cũng cần những biểu tượng đặc trưng giống như “Porsche” trong thế giới xe hơi hay “Rolex” trong ngành đồng hồ. Điều này mang lại sức hấp dẫn và giá trị biểu tượng cho cà phê đặc sản. Tuy nhiên, cũng giống như các sản phẩm xa xỉ khác, khi giá trị bị thổi phồng bởi truyền thông, nhiều “chuyên gia” sẽ chỉ còn là vỏ bọc. Vì thế, trong thời đại mà nhiều giá trị sống đang bị “ảo hóa”, chúng ta cần tỉnh táo để nhận định rõ ràng và khách quan về bản chất của cà phê.

Việc trở thành một chuyên gia không sai, nhưng danh xưng này chỉ có ý nghĩa khi nó đóng góp giá trị thực sự cho ngành cà phê nói chung. Ngành cà phê cần những người thực sự tận tâm đến nông dân, cải tiến công nghệ, và mở rộng tầm ảnh hưởng của cà phê phổ thông. Chỉ khi đó, danh xưng chuyên gia mới thực sự mang lại giá trị và ý nghĩa bền vững.

Trở thành một chuyên gia trong ngành cà phê đặc sản đồng nghĩa với việc được bảo chứng bởi danh tiếng. Điều này mang lại sức ảnh hưởng lớn, khi những gì một chuyên gia thực hiện, bày tỏ, hoặc đưa ra quan điểm có khả năng khơi dậy sự đồng thuận rộng rãi trong dư luận. Danh tiếng không chỉ củng cố uy tín cá nhân mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp định hình nhận thức và xu hướng trong cộng đồng cà phê.

/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Picture of Prime Magazine
Prime Magazine

Bạn đang xem Prime Magazine - Chuyên mục bài viết được đầu tư chuyên sâu về nội dung và hình ảnh, với giao diện tối giản giúp nâng cao trải nghiệm đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

/ ĐÁNG CHÚ Ý /
From Farm to Cup Khi nhà rang bước vào nghề nông
Prime Magazine

From Farm to Cup: Khi nhà rang bước vào nghề nông

Việc mua cà phê chất lượng cao từng không phải là vấn đề đối với các nhà rang xay. Khi thị trường ít đối thủ cạnh tranh và có nhiều nhà sản xuất sẵn sàng tìm kiếm người mua, nguy

Hoạt độ nước và chất lượng cà phê nhân xanh
Khoa học

Hoạt độ nước và chất lượng cà phê nhân xanh

Việc kiểm soát độ ẩm trong cà phê xanh từ lâu đã được xem là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng hạt. Quá trình sấy khô không đúng cách có thể gây ra nhiều lỗi nghiêm trọng,

Farmwashing – Mặt trái của tiếp thị cà phê đặc sản
Prime Magazine

Farmwashing – Mặt trái của tiếp thị cà phê đặc sản

Trong những năm gần đây, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm và mong muốn kết nối sâu sắc hơn với người nông dân đứng sau sản phẩm họ sử dụng. Điều này đặc biệt

Bảy kỹ năng cần có ở Barista chuyên nghiệp
Kỹ thuật pha chế

Bảy kỹ năng cần có ở Barista chuyên nghiệp

Đối với một số người, làm barista là cách tuyệt vời để kiếm thêm thu nhập bán thời gian trong khi đang học. Đối với những người khác, đó là bước đệm để quản lý hoặc sở hữu một quán

Tương lai của cà phê lọc - Filter Coffee
Dụng cụ & Thiết bị

Tương lai của cà phê lọc

Mặc dù espresso luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng các chuyên gia và người yêu cà phê, cà phê lọc thường được họ lựa chọn nhiều hơn. Trải nghiệm thưởng thức sự đơn giản của một tách

Tìm kiếm