Nếu nghiên cứu về cà phê trên một trong những khía cạnh: Kinh tế, sinh vật học, sản xuất, chế biến.. bạn sẽ bắt gặp một trong ba cái tên Specialty Coffee Association (SCA), World Coffee Research (WCR) và International Coffee Organization (ICO). Đây được xem như “tam trụ” của ngành cà phê thế giới, mỗi tổ chức có vai trò và tác động to lớn đến ngành cà phê trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Bài viết này trình bày sơ lược về một số tổ chức quốc tế trong ngành cà phê của chúng ta, nơi mà các các nhà nghiên cứu, các công ty đa quốc gia đang dẫn dắt thị trường cũng như sự phát triển của ngành, các bạn có thể dễ dàng xem thêm các thông tin hữu ích về các tổ chức này trong liên kết đính kèm. Ngoài ICO, SCA & WCR, bài viết trình bày thêm một số tổ chức liên quan về lĩnh vực cà phê, bạn có thể tìm thấy hầu hết ở cuối bài.
Tổ chức Cà phê Quốc tế – International Coffee Organization (ICO)
Tổ chức Cà Phê Quốc tế International Coffee Organization (ICO) là tổ chức liên chính phủ (lớn và quan trọng nhất) về cà phê, với vai trò kết hợp xuất khẩu và nhập khẩu giữa chính phủ các nước để giải quyết những thách thức mà ngành cà phê thế giới phải đối mặt thông qua hợp tác quốc tế. Chính phủ các nước thành viên của ICO chiếm 98% sản lượng cà phê thế giới và 83% tiêu dùng thế giới.
Tính đến tháng 11/2017 ICO có 44 thành viên xuất khẩu và 7 thành viên nhập khẩu
Sự hình thành của ICO
Tổ chức Cà phê Quốc tế được thành lập vào năm 1963 tại London, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc (UN) vì tầm quan trọng kinh tế lớn của cà phê. ICO điều hành Hiệp định về Cà phê Quốc tế (ICA), một công cụ quan trọng cho hợp tác phát triển.
Hội đồng Cà phê Quốc tế là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của ICO và bao gồm các đại diện của mỗi Chính phủ thành viên. ICO họp vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm để thảo luận về các vấn đề cà phê, phê duyệt các văn kiện chiến lược và xem xét các khuyến nghị của các cơ quan tư vấn và ủy ban…
Vai trò, nhiệm vụ của ICO
Nhiệm vụ của Tổ chức Cà phê Quốc tế là củng cố ngành cà phê toàn cầu và thúc đẩy sự mở rộng bền vững của ngành cà phê, dựa trên yếu tố thị trường để cải thiện chất lượng sống của tất cả những người tham gia trong ngành cà phê.
ICO giúp đóng góp cho sự phát triển của một ngành cà phê thế giới bền vững và để giảm đói nghèo ở các nước đang phát triển bằng cách:
- Cho phép các chính phủ và khu vực tư nhân trao đổi quan điểm về các vấn đề cà phê, điều kiện và xu hướng thị trường, và điều phối chính sách trong các cuộc họp cấp cao
- Phát triển và tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án có lợi cho nền kinh tế cà phê thế giới
- Thúc đẩy sự minh bạch của thị trường bằng cách cung cấp một loạt các thống kê về ngành cà phê thế giới
- Đẩy mạnh các chương trình đào tạo và thông tin để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ liên quan đến cà phê
- Khuyến khích phát triển các chiến lược để nâng cao năng lực của cộng đồng địa phương và nông dân quy mô nhỏ
- .v.v..
Hiệp hội Cà phê Đặc sản- Specialty Coffee Association (SCA)
Hiệp hội Cà phê Đặc sản – Specialty Coffee Association (SCA) là tổ chức phi lợi nhuận tiên phong của ngành công nghiệp Specialty Coffee. Từ nông dân trồng cà phê đến baristas và các nhà rang xay, thành viên của SCA có mặt trên toàn cầu, bao gồm mọi mắc xích trong chuỗi giá trị từ cà phê. SCA hoạt động để truyền cảm hứng và mở rộng thương mại Specialty Coffee toàn cầu thông qua việc lãnh đạo trong các sự kiện, giáo dục và nghiên cứu.
- Xem thêm lịch sử hình hành SCAA tại Cuộc cách mạng cà phê đặc sản
Tiền thân và sự hợp nhất của SCA
Từ tháng 1 năm 2017, Specialty Coffee Association (SCA) là kết quả của sự hợp nhất hai tổ chức: Specialty Coffee Association of America (SCAA) – được thành lập vào năm 1982 và Hiệp hội Speciality Coffee Association of Europe (SCAE) – được thành lập vào năm 1998.
SCA và hoạt động đào tạo
SCA có rất nhiều hoạt động liên quan đến nghiên cứu, truyền thông,.. Trong đó các chương trình đào tạo là một trong các hoạt động thiết yếu của SCA nhằm phát triển niềm đam mê và nâng cao kỹ năng của bất kỳ ai theo đuổi ngành công nghiệp Specialty Coffee. Được đào tạo bởi các huấn luyện viên SCA được ủy quyền (ASTs) trên toàn cầu các học viên sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ quốc tế, trên mỗi khóa học bao gồm:
- Introduction to Coffee (Giới thiệu về cà phê)
- Barista Skills (Thợ pha chế)
- Brewing (chiết xuất)
- Green Coffee (cà phê tươi)
- Sensory Skills (kỹ năng cảm quan)
- Roasting (Kỹ năng rang)
Mỗi khóa học sẽ có 3 cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào mong muốn theo đuổi của người học từ Foundation (nền tảng) đến Intermediate (trung cấp) và Professional (chuyên nghiêp), tất nhiên, bạn phải trả phí từ 72 -325USD/mỗi khóa
Tổ chức Nghiên cứu Cà phê Thế giới – World Coffee Research (WCR)
Tổ chức Nghiên cứu Cà phê Thế giới – World Coffee Research (WCR) là một chương trình nghiên cứu và phát triển phi lợi nhuận. Các tổ chức tham gia thành lập trực tiếp hoặc cung cấp nguồn quỹ đến từ 30 nhóm ngành công nghiệp cà phê trong đó có Specialty Coffee Association (SCA), Green Mountain Coffee Roaster, Peet Coffee & Tea, Counter Culture Coffee cùng với các nhà nhập khẩu cà phê khác,..
Vai trò của WCR
Tính đến nay Tổ chức Nghiên cứu Cà phê Thế giới đã cung cấp sự hỗ trợ tại 21 quốc gia trong ba khía cạnh: Tăng cường chất lượng cà phê, thúc đẩy việc canh tác hiệu quả hơn và cải thiện sinh kế của nông dân trong ngành cà phê. Để đạt được các mục đích trên World Coffee Research sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính sau:
Bảo vệ & cải tiến nguồn giống cà phê
Tập trung vào bảo tồn, nghiên cứu và cải tiến gen cà phê để phát triển các giống cà phê mới, nhằm đảm bảo tương lai của cà phê. Vì các giống cà phê tốt nhất hiện nay có thể không phù hợp với những mối đe doạ về môi trường do biến đổi khái hậu, dịch bệnh và côn trùng. Đây cũng là một trong những chiến lược nền tảng của World Coffee Research.
Nâng cao chất lượng của chuỗi giá trị cà phê
Cung cấp giá trị cao hơn cho các nhà sản xuất cà phê lẩn người sử dụng. Tổ chức Nghiên cứu Cà phê Thế giới sẽ hỗ trợ sự phát triển của thị trường Specialty Coffee cũng như sinh kế của nông dân thông qua hai hoạt động nghiên cứu chính: tìm hiểu về các đặc tính chất lượng trong hương vị cà phê ở cấp độ phân tử, Nghiên cứu hệ thống đánh giá cảm quan cho cà phê (Sensory Lexicon).
Vòng tròn hương vị cà phê (Coffee Taster’s Flavor Wheel) ra đời với sự hợp tác SCAA và WCR phục vụ cho nghiên cứu đánh giá cảm quan cà phê là một trong những thành tựu tiêu biểu của ngành cà phê hiện đại
Ngoài ra, World Coffee Research còn tiến hành nhiều hoạt động liên quan như: Phòng chống dịch bệnh và côn trùng trên cà phê, Ứng phó trước biến đổi khí hậu, hỗ trợ tăng cường lợi nhuận cho nông dân, vì tầm hoạt động của tổ chức này hết sức rộng khắp trong ngành cà phê (tại 29 quốc gia), nên bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin về World Coffee Research tại đây.
Tài nguyên bổ sung
Mặc dù bài viết nêu lên tầm quan trọng của ba tổ chức “lớn’ (và một khía cạnh nào đó là mang tính “trụ cột”) của ngành cà phê. Tuy nhiên để hiểu sâu hơn về tất cả các khía cạnh của ngành cà phê – từ thông tin quy định, các dữ liệu thương mại cho đến khoa học và tính bền vững bạn có thể tham khảo danh sách các liên kết sau đây:
Các hiệp hội thương mại:
- Anacafé – Hiệp hội cà phê quốc gia Guatemala
- Hiệp hội cà phê đặc sản Brazil
- Hiệp hội cà phê Canada
- Hiệp hội cà phê hảo hạng Đông Phi
- Liên đoàn cà phê Châu Âu
- Hiệp hội cà phê xanh
- Liên đoàn quốc gia những người trồng cà phê Colombia
- Hiệp hội cà phê Bờ biển Thái Bình Dương
- Hiệp hội thương mại hữu cơ
- Hiệp hội cà phê đặc sản Hoa Kỳ
- Hiệp hội cà phê đặc sản Châu Âu
- Hiệp hội cà phê đặc sản của Nhật Bản
Trang tin tức & Ấn phẩn liên quan:
- Tạp chí Barista
- Tạp chí Quốc tế Cà phê và Ca cao
- Đánh giá cà phê
- Coffee Talk
- CoffeeNetwork
- Tạp chí Fresh Cup
- Tạp chí Thương mại Trà và Cà phê
- Tạp chí Roast
Các tổ chức liên chính phủ:
Nghiên cứu khoa học cà phê, Sức khỏe & Nông học:
- Cenicafé (trang web bằng tiếng Tây Ban Nha)
- UC Davis Coffee Initiative
- Viện thông tin khoa học về cà phê
- Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới và Giáo dục Đại học
- Viện Nghiên cứu Cà phê của Đại học Vanderbilt
- Nghiên cứu cà phê thế giới
Các tổ chức phi chính phủ, Thương mại công bằng & Bền vững:
- Hiệp hội 4C
- Cà phê & Bảo tồn
- Cơ sở cho sức khỏe
- Quy tắc chung cho Cộng đồng cà phê – 4C
- Liên đoàn Thương mại Công bằng
- Mạng lưới tài nguyên thương mại công bằng
- Fairtrade International
- Làm thế nào để trở thành hữu cơ
- Hanns R. Neumann Stiftung
- Liên minh cà phê quốc tế dành cho phụ nữ
- Rainforest Alliance – Cà phê
- Fair Trade Hoa Kỳ
- Chứng nhận Utz – Good Inside
Nguồn tham khảo:
- www://worldcoffeeresearch.org/
- www://sca.coffee/
- www://www.ico.org/
2 bình luận
Thân chào admin
làm sao để theo dõi các event của 3 tổ chức lớn trên hen à
xin cảm ơn
Bạn vào webst & ‘subscribe’ để nhận được thông báo qua email nhé!