Sustainable coffee – Cà phê bền vững, là cà phê được trồng theo cách bảo tồn thiên nhiên và cung cấp sinh kế tốt hơn cho những người tham gia sản xuất ra loại cà phê đó. Xuất hiện vừa tròn hai thập kỷ nhưng phân khúc cà phê bền vững đã phát triển thành một ngành công nghiệp có giá trị hàng tỷ đô la, với những tác động quan trọng đối với ngành cà phê khi nhu cầu và nhận thức người dùng ngày càng nâng cao.
Sự ra đời thuật ngữ cà phê bền vững – Sustainable Coffee
Cuối thế 20, ngành cà phê thế giới phải trải qua khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Khi giá cà phê giảm xuống dưới giá thành trong giai đoạn 1997 đến 2002, do thừa cung trong lúc cầu vẫn không tăng đáng kể. Thì môi trường phải gánh chịu hậu quả của thâm canh cao và sản xuất hàng loạt không sử dụng cây che bóng, lạm dụng chất hóa học, gây xói mòn rửa trôi cũng như tàn phá hệ sinh thái hoang dã. Hai gánh nặng này đã dẫn tới khủng hoảng xã hội tại những vùng trồng cà phê như mất việc, nghèo đói gia tăng, giảm khả năng tiếp cận với y tế và giáo dục.
Tất cả những khủng hoảng trên đòi hỏi ngành cà phê phải sáng tạo một giải pháp để cân bằng được ba phương diện kinh tế, môi trường & xã hôi. Do vậy không điều gì tốt hơn là gắn một cầu nối giữa sản xuất cà phê hữu cơ với các hình thức thương mại công bằng. Và chiếc cầu nối đó tên là “Cà phê bền vững”.
Thuật ngữ Cà phê bền vững lần đầu tiên được giới thiệu trong các cuộc họp chuyên gia được triệu tập bởi SMBC(1), CEC(2) của NAFTA và CCC(3) vào năm 1998. Báo cáo năm 1999 của CCC với nhan đề “Sustainable Coffee at the Crossroads” đây là lần đầu tiên thuật ngữ Sustainable Coffee được sử dụng công khai. Mục đích của cuộc họp là thảo luận và lý giải về tính bền vững cũng như xác định cà phê hữu cơ (Organic) và thương mại bình đẳng (Fair Trade Coffee) là cà phê bền vững, mặc dù nó không đưa ra một định nghĩa chức năng duy nhất.
Chứng nhận cà phê bền vững
Trong những năm sau đó, trên thế giới cũng như tại Việt nam, phát triển cà phê bền vững trở thành chủ đề thảo luận sôi động của những tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê. Cộng đồng cà phê quốc tế cũng đã tiến đến thống nhất về quan niệm phát triển bền vững trong ngành cà phê (ICO WD Board 30/01/2006), theo đó tính bền vững trong ngành cà phê bao gồm những điều kiện sản xuất, chế biến và thương mại cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng sao cho:
- Đem lại lợi nhuận kinh tế đủ trang trải chi phí sản xuất và sinh hoạt cũng như một phần thăng dư cho đầu tư phát triển.
- Đối xử có trách nhiệm với môi trường để duy trì tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.
- Bảo đảm các điều kiện xã hội và làm việc phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện duy trì sự ổn định của cộng đồng.
Theo đó, phát triển sản xuất cà phê bền vững phải tuân theo những bộ tiêu chí và có hệ thống chứng nhận/kiểm tra để các tác nhân trong chuỗi cung ứng tuân theo và người tiêu dùng có thể nhận biết. “Tính bền vững” trở thành một yếu tố quan trọng để tiếp thị cà phê kéo theo sản xuất và thương mại cà phê có chứng nhận/kiểm tra dựa trên các bộ tiêu chí và quy trình đánh giá minh bạch ngày càng được triển khai rộng rãi.
Cà phê bền vững có chứng nhận theo định nghĩa phổ biến hiện nay là các sản phẩm thõa mãn được ba trụ cột chính đó là: Bền vững kinh tế cho nông dân ; bảo tồn môi trường và Trách nhiệm xã hội. Chứng nhận là quy trình thủ tục của cơ quan chứng nhận độc lập cấp chứng chỉ bảo đảm chất lượng cà phê và quá trình sản xuất đã được đánh giá là tuân thủ những yêu cầu đã xác định
Ngày nay, cà phê bền vững phổ biến với sáu chứng nhận (theo thứ tự quan trọng giảm dần) bao gồm: Organic Coffee ; Fair Trade Certified ; Rainforest Alliance ; Smithsonian Bird Friendly ; Utz Certified ; 4C Common Code
- Các bạn có thể xem bảng so sánh các chứng nhận bền vững hoặc các chứng nhận phổ biến trên cà phê để hiểu rõ hơn.
Thị trường của cà phê bền vững
Trong thời kỳ khủng hoảng cà phê gần đây (2001-2003), giá cà phê đã đạt mức thấp kỷ lục (Wikipedia) và để lại nhiều nhà sản xuất trong điều kiện khủng hoảng. Đến năm 2003, ý tưởng về cà phê bền vững – đã bắt đầu trở thành một chủ đề phổ biến tại các hội nghị, trong nghiên cứu và các cuộc thảo luận chính sách có mặt ở nhiều quốc gia.
Giám sát và chứng nhận độc lập là hoạt động trọng tâm của 4 tiêu chuẩn sản xuất quan trọng là: Thương mại bình đẳng (Fairtrade), Hữu cơ (Organic), Liên minh Rừng mưa (Rainforest Alliance) và Utz certified. Một số loại cà phê khác cũng gọi là bền vững theo những tiêu chuẩn do công ty tự xây dựng, có hoặc không có giám sát và kiểm tra của bên thứ ba độc lập, trong số đó phải kể đến tiêu chuẩn thực hành Starbucks’ (C.A.F.E) và Nespresso AAA của tập đoàn Nestlé.
Năm 2016, Starbucks đã mua hơn 600 triệu pound cà phê Arabica xanh, 99% trong số đó được thu mua qua C.A.F.E.
Các nhà sản xuất, buôn bán cà phê, các tổ chức công đoàn và tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử chung của cộng đồng cà phê (4C Cetified). 4C khác với các tiêu chuẩn cà phê có chứng nhận là chỉ dựa trên kiểm tra chứ không chứng nhận sự hợp chuẩn. Đồng thời, kiểm tra của 4C coi trọng hệ thống giám sát nội bộ bên trong các đơn vị 4C chứ không dựa hoàn toàn vào cơ quan giám sát bên ngoài hoặc sự bảo đảm của bên thứ ba.
Ý nghĩa của Sustainable Coffee
Như từ đầu đã đề cập, cà phê bền vững phải được canh tác theo cách bảo tồn thiên nhiên và cung cấp sinh kế tốt hơn cho những người tham gia sản xuất.
Bảo tồn thiên nhiên
Bản đồ cà phê là một vành đai khí hậu nhiệt đới, nơi có các cánh rừng nhiệt đới hiếm hoi còn lại của thế giới. Khi nông dân muốn mở rộng diện tích trồng cà phê, việc lấn đất phá rừng là hoàn toàn tự phát. Hơn nữa, cà phê thường được trồng trên các sườn dốc; nếu không được chăm sóc, nó có thể dẫn đến xói lở đất và hình thành các đồi trọc. Việc trồng trọt và chế biến cà phê đòi hỏi một lượng lớn nước, và nước thải có thể làm ô nhiễm các nguồn nước tự nhiên.. Tóm lại, những nguy cơ trên đã cản trở tính bền vững của ngành nông nghiệp – cà phê.
Vấn đề sinh kế
Khoảng 120 triệu người đang dựa vào cà phê như sinh kế chính của họ, phần lớn trong số này là nông dân. Như đối với bất kì loại nông sản nào khác, người mua cà phê muốn mua giá thấp và bán với giá cao – nhưng thị trường thì luôn biến động và không phải lúc nào cũng theo hướng có lợi cho nông dân. Việc bị ép giá thấp có thể buộc nông dân phải phá rừng rừng nhiều hơn, sử dụng thuốc trừ sâu chất lượng thấp và dựa vào lao động rẻ – lao động trẻ em, trong một số trường hợp – để tạo ra lợi nhuận duy trì cuộc sống.
Ở nhiều quốc gia, như Việt Nam, Khi không có cách để duy trì lợi nhuận thu được từ canh tác cà phê, người nông dân buộc phải chuyển sang các cây trồng thời vụ khác để trang trải khoản nợ mà cà phê gây ra.
Ứng phó biến đổi khí hậu.
Cà phê bền vững còn đi chung nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề mang tính thời đại hơn, như biến đổi khí hậu toàn cầu, giảm thiểu carbon, bảo tồn cảnh quan..
Biến đổi khí hậu thể hiện rõ nhất qua các thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, tại các khu vực thích hợp để trồng cà phê. Điều này đã bắt đầu gây ra vấn đề ở các vùng trồng cà phê như Trung và Nam Mỹ, nơi một số nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác ít bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (và ít bị biến động giá do biến động thị trường). Điều này làm giảm nguồn cung cà phê, có nghĩa là về lâu dài, giá sẽ tăng lên (chúng ta có thể tiên liệu chính xác về sự thiếu hụt cà phê trong tương lai).
Cây cà phê được canh tác từ 20 đến 30 năm, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến nông dân sớm từ bỏ cây cà phê, làm gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc làm mất ổn định lợi nhuận kinh tế dài hạn.
Những bước đi mới của Sustainable Coffee
Trên đây là một số vấn đề mang tính toàn cầu mà cà phê bền vững chỉ đóng góp tiền đề cho các cam kết tốt hơn để dung hòa các giá trị mà cà phê mang lại cho toàn chuỗi cung ứng. Việc ứng phó với các vấn đề trên hoàn toàn không đơn giản mà đòi hỏi sự chung tay từ các tổ chức xã hội, chính phủ,.. Một trong những nỗ lực mang tính dẫn đầu hiện nay cho cà phê bền vững (Sustainable Coffee Challenge) đang rộ lên qua hình thức Thương mại tiếp (Direct Trade), qua đó các nhà rang xay/quán cà phê sẽ thu mua cà phê trực tiếp từ người trồng (nông dân hoặc hợp tác xã).
Tuy nhiên, “Bền vững” là một khái niệm vốn không hề có mặt trong nền kinh tế và chưa từng tồn tại đối với cà phê. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà hầu hết các doanh nghiệp đều kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ nhãn “Sustainable Coffee” mà vẫn trông rất cao thượng, do vậy sẽ luôn tồn tại những thách thức đối với tính bền vững của ngành cà phê
Thử thách cà phê bền vững
Song, bạn sẽ rất vui khi biết rằng nhiều công ty, chính phủ, các tổ chức xã hội và các cá nhân đã cùng hành động vì một mục tiêu. Và một trong những nỗ lực lớn hiện nay được gọi là Thách thức cà phê bền vững (Sustainable Coffee Challenge). Đây là một sáng kiến mới (với sự tham gia của các gã khổng lồ như Starbucks, McDonald’s…) nhằm biến cà phê thành sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn bền vững đầu tiên trên thế giới bằng cách hợp nhất tất cả những mắc xích trong ngành cà phê – người trồng, thương nhân, nhà rang xay, nhà bán lẻ – để tạo ra một nhu cầu lớn hơn (và châm ngòi cho các khoản đầu tư lớn hơn) vào cà phê bền vững.
Sẽ cần nhiều nỗ lực và hợp tác để tạo ra nhu cầu bền vững cao hơn – đến mức không còn lựa chọn nào giữa việc mua một tách cà phê bền vững và một tách không bền vững – Bruno Vander Velde, Conservation International’s
Chú thích & Tham khảo
- SMBC – Smithsonian Institution Migratory Bird Center – Trung tâm Chim di cư Smithsonian
- CEC – Commission for Environmental Cooperation – Ủy ban Hợp tác Môi trường
- CCC – Consumer Choice Council – Hiệp hội người tiêu dùng bình chọn
Nguồn tham khảo:
- www.blog.conservation.org/ – What on Earth is ‘sustainable’ coffee?
- www.en.wikipedia.org/ – Sustainable coffee