Lịch sử Cafe thế kỷ 18-19: Cà phê trong cuộc chinh phạt cuối cùng - Prime Coffee
Lịch sử Cafe thế kỷ 18-19: Cà phê trong cuộc chinh phạt cuối cùng
NỘI DUNG CHÍNH

Từ năm 1750 cây cà phê đã có mặt trên khắp năm châu lục, nhân cà phê đã tham gia kiến tạo nên một trong những bước ngoặt quan trọng của lịch sử thế giới – Cuộc đại cách mạng công nghiệp, đồng thời xóa bỏ chế độ áp bức nô lệ. Hơn nữa cà phê đã tự mở ra cho mình một bước ngoặt, trở thành một loại hàng hóa có khả năng chi phối nền kinh tế, chính trị hiện đại.

Xuyên suốt thế kỷ 18 – 19, cà phê gắn liền với chế độ nô lệ hà khắc, đây có thể là giai đoạn đen tối nhất của cà phê trong lịch sử loài người | Ảnh: Nô lệ phải chịu hình phạt tàn bạo ở Brazil thế kỷ 19 – Wikimedia

Bạn đang có mặt tại phần 3 của chuỗi bài Lịch sử cây cà phê, sau bước khởi đầu từ Ethiopia đến Ả Rập, cà phê đã tiếp cận các quốc gia phương tây và khu vực Mỹ La Tinh trước khi bước vào hồi kết của cuộc viễn chinh trong thế kỷ 18 – 19.

Cà phê và cuộc cách mạng công nghiệp châu Âu

Cuộc cách mạng đại công nghiệp khởi đầu từ vương quốc Anh trong suốt thế kỷ 18 và lan ra các khu vực khác của châu Âu và Bắc Mỹ vào đầu thế kỷ 19 đã làm nên một giai đoạn gọi là “Thời kỳ khai sáng“. Trong đó, sự phát triển của hệ thống các nhà máy đã thay đổi đời sống, thái độ và thói quen ăn uống của con người. Trong xã hội châu âu trước đó, hầu hết người dân tự làm việc ở nhà hoặc trong các xưởng thủ công địa phương. Họ không phải phân bổ thời gian gò bó trong việc lao động và nghĩ ngơi, họ làm việc cho chính mình, ăn 4 đến 5 lần một ngày tùy thích.

Với sự xuất hiện của các nhà máy luyện kim và nhà máy dệt may, công nhân đổ xô lên thành thị, sống và làm việc trong những điều kiện hết sức tồi tệ. Vì cả phụ nữ và trẻ em đều tham gia vào hình thức lao động có tổ chức này, nên có ít thời gian để làm việc nhà, cũng như nấu nướng. Do vậy một bộ phận lớn các công nhân trong hai ngành công nghiệp chính trên, sống gần như nhờ vào cà phê và bánh mì.

Lao động trẻ em chờ nhận phần ăn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp tại Anh

“Ngồi lì trong những góc lờ mờ của họ, để kiếm và xu lẻ chỉ đủ cho họ cầm hơi qua ngày”, một nhà sử học đã viết như vậy “Những người công nhân không có thời gian để chuẩn bị bữa trưa hoặc bữa tối. Và người ta uống cà phê nhạt như một chất kích thích cuối cùng cho cái bụng đang rủn ra mà ít nhất là trong thời gian ngắn, nó có thể dỗ yên cơn đói đang gầm gào”. Thức uống của tầng lớp quý tộc nay đã trở thành liều thuốc không thể thiếu cho quần chúng lao khổ, và cà phê sáng đã thay thế cho món súp của những bữa điểm tâm.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã ảnh hưởng đáng kể đến vị trí văn hóa của cà phê, dù tốt hay xấu.

Khi công nghệ mở rộng, sản xuất đạt đến trình độ cao, với những quan niệm mới về người lao động. Con người không còn kết nối sâu sắc với sản phẩm cuối cùng, thay vào đó họ giống như bánh răng trong một cỗ máy, và được chế tạo xao cho hoạt động hiệu quả. Quy mô sản xuất làm cho cà phê dễ tiếp cận hơn với công chúng hơn bao giờ hết. Đối với công nhân nhà máy, làm việc nhiều giờ với cường độ cao, cà phê trở thành một nhiên liệu quan trọng và là một cái cớ tốt để nghỉ ngơi. Cà phê không còn gắn liền với xã hội nhàn nhã hay thảo luận trí tuệ nặng nề, mà được dùng làm xăng cho cỗ máy của con người.

Cà phê và chế độ nô lệ

Cho đến năm 1750, cây cà phê đã được trồng trên khắp năm châu lục. Đối với tầng lớp thấp trong xã hội, nó mang đến thứ thức uống “làm một tý” trong lúc nghĩ ngơi. Mặt khác, những tác dụng của cà phê dường như khá ôn hòa, (mặc dù đôi lúc đã dấy lên những cuộc tranh luận). Nó đã bổ sung một nguồn tỉnh táo đáng kể cho một châu âu đang đắm mình trong rượu cồn cũng như mang đến một chất xúc tác trong môi trường xã hội tri thức. Như William Ukers đã viết trong cuốn All about Coffee kinh điển của ông:

“Bất cứ nơi đâu cà phê được đem đến nó cũng báo hiệu cách mạng. Nó là thứ thức uống cấp tiến nhất thế giới, vì tác dụng của nó là khiến con người luôn phải tư duy. Và khi con người bắt đầu tư duy, họ trở nên nguy hiểm đối với những tên bạo chúa”

Có thể là thế, nhưng càng ngày giới quyền lực châu Âu càng đem nhiều cà phê đến các nước thuộc địa để canh tác, nhân công chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê đến từ các nguồn nô lệ nhập khẩu. Thuyền trưởng G.de Clieu (trong phần 2 của Lịch sử cà phê, ông là người mang cây cà phê đến với các nước Mỹ La Tinh) có thể đã hết lòng yêu quý cây cà phê của ông ta nhưng ông không tự tay thu hoạch hàng triệu triệu sản lượng từ các thế hệ con của cây đó – Những người nô lệ châu Phi đã làm công việc nằng nhọc này.

Những áp bức liên quan đến cà phê

Ban đầu nô lệ được đem đến vùng Caribe để thu hoạch mía (giống như cà phê, đường đã được người Ả Rập nhân rộng từ nửa sau của thế kỷ 17). Bởi thế, khi lớp thực dân Pháp lần đầu trồng cà phê ở San Domigo (đảo Haiti, thuộc cộng hòa Dominica ngày nay ) vào năm 1734, việc cần phải có thêm nô lệ châu Phi làm việc ở các nông trường là lẽ đương nhiên.

Nô lệ tại một sân cà phê trong trang trại Vale do Paraiba, Sao Paulo, 1882
Nô lệ tại một sân cà phê trong trang trại Vale do Paraiba, Sao Paulo, 1882 | Ảnh: Wikipedia

Và đáng kinh ngạc nhất, là cho đến năm 1788, San Domigo đã cung cấp một nửa lượng cà phê toàn thế giới. Bởi thế, chính thứ cà phê đã cung cấp năng lượng làm bùng cháy tư duy của những Voltaire và Diderot (hai nhà văn, sử gia và triết gia Pháp thời kì khai sáng) đã được sản xuất bằng sức lao động cưỡng bức dưới dạng vô nhân đạo nhất. Ở San Domigo, nô lệ sống trong những điều kiện vô cùng khủng khiếp, ở trong những túp liều tăm tối, thiếu ăn, và lao động suốt ngày. Một khác lữ hành người Pháp, cuối thế kỷ 18 đã viết:

“Tôi không biết liệu cà phê và đường có phải là nguồn thiết yếu đối với hạnh phúc của châu Âu hay không, nhưng tôi biết khá rõ một điều rằng hai sản phẩm này đã tước đi hạnh phúc của hai khu vực rộng lớn nhất thế giới: Châu Mỹ (vùng Caribe) đã phải giảm dân số để có diện tích đất trồng trọt, châu Phi thì hao người để mà có nhân lực canh tác chúng”

Những cuộc nổi dậy, và trình trạng khan hiếm cà phê

Không lấy làm ngạc nhiên, khi sau đó vài thập kỷ những nô lệ đã nổi dậy vào năm 1791 trong cuộc đấu tranh dành tự do dài 20 năm – đã trở thành cuộc nổi dậy của nô lệ thành công duy nhất trong lịch sử. Hầu hết những vùng đất rộng lớn trước đây trồng cà phê giờ đều cháy ra tro, cùng với chủ nhân của chúng. Cho đến năm 1801, khi lãnh tụ người da màu Haiti Toussait Louverture cố gắng khôi phục cà phê xuất khẩu thông qua hệ thống “Fermage” (một kiểu nô lệ nhà nước) thì sản lượng thu hoạch vẫn giảm 45% so với mức năm 1789.

Nô lệ Brazil
Brazil là quốc gia cuối cùng duy trì chế độ nô lệ nhằm phục vụ cho nhu cầu canh tác cây cà phê. Từng có thời điểm nô lệ chiếm 1/3 dân số nước này (1828) | Ảnh Wikipedia

Khi Napoleon gửi quân đội đến trong một nỗ lực lấy lại Haiti từ năm 1801 – 1803, cây cà phê lại một lần nữa bị bỏ hoang. Ông đã thốt lên rằng “cà phê chết tiệt! Lũ nô lệ chết tiêt”. Và từ đó cây cà phê Haiti đã không bao giờ khôi phục được hào quang thống trị của mình một lần nữa

Trước tình trạng nguồn cung cà phê thế giới suy giảm, người Hà Lan đã lấp đầy khoảng trống đó với cà phê Java. Mặc dù họ không thường xuyên cưỡng bức hay tra tấn người lao động, nhưng họ cũng đặt ách nô lệ lên những người này. Theo như nhà sử học Heirich Eduard Jacob, trong khi những người Java cắt tỉa cây hoặc thu hái cà phê dưới cái nắng nhiệt đới gay gắt, “thì ông chủ da trắng chỉ đưa muỗng khuấy vài giờ mỗi ngày”.

Napoleon, cà phê và rau diếp xoăn

Vào năm 1806, ba năm sau khi tiến hành cuộc chiến tranh với nước Anh, Napoleon ban hành cái gọi là Hệ thống phong tỏa lục địa (Continental System) với mục đích trừng phạt người Anh, bằng cách cắt đứt liên lạc với châu Âu của họ. “Chúng ta sẻ phải tự làm mọi thứ cho mình”, Napoleon tuyên bố.  Và thực vậy hệ thống trên đã sản sinh ra nhiều cải tiến công và nông nghiệp quan trọng. Những nhà nghiên cứu của Napoleon đã thành công trong việc chiết xuất đường cải để thay cho đường mía.

Tuy vậy, người châu Âu không tự mình làm ra cà phê được, nên họ phải dùng rễ rau diếp xoăn để thay thế. Giống rau của châu Âu này có rễ dài, màu trắng, khi sao và nghiền ra, ta có một thứ bột trông giống cà phê ở một mức độ nào đó. Khi pha với nước nóng nó cho ra một thứ nước tối màu, vị đắng có thể uống nhưng không có gì giống với cà phê, hơn nữa cũng không hề có tí caffeine nào. Ấy thế mà người Pháp đã phát triển một khẩu vị dành riêng cho rau diếp xoăn trong suốt thời đại Napoleon, và thâm chí là sau khi Continental System bị dỡ bỏ vào năm 1814, họ vẫn tiếp tục trộn rễ rau này với cà phê

Chicory root - Rễ rau diếp xoăn được người Pháp dùng thay thế cà phê dưới thời Napoleon
Chicory root – Rễ rau diếp xoăn được người Pháp dùng thay thế cà phê dưới thời Napoleon

Cuộc đại khủng hoảng & Thời đại mới cho cây cà phê

Từ năm 1814 đến năm 1817, khi Amsterdam đã chiếm lại vị trí trung tâm trong ngành thương mại cà phê giá đã giao động từ 16 – 20 cent một pound (0.45kg) – Khá là dễ chịu so với giá cà phê năm 1812 là 1.08 đô/pound. Tuy nhiên nhu cầu cà phê tăng mạnh trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ đã kích giá tăng lên 30 cent cho 1 pound cà phê Java. Kết quả là nông dân cần mẫn ươm cây mới, ở những khu vực như Brazil, những mảnh đất trồng cà phê lấn sâu vào các cánh rừng mưa nhiệt đới.

Vài năm sau, năm 1823 khi những mảnh đất canh tác này vừa bắt đầu cho thu hoạch, một cuộc khủng hoảng khác lù lù xuất hiện – Chiến tranh giữa Pháp và Tây Ban Nha dường như đã cận kề, Những nhà nhập khẩu trên khắp châu Âu đổ xô mua vào. Họ đoán rằng các tuyến đường biển sẽ sớm bị phong tỏa, rồi thì giá sẽ tăng vọt. Nhưng hóa ra lại chẳng có chiến tranh gì hết, ít nhất là không phải lúc này.  Nhà sử học Heinrich Jacob đã viết:

Thay vì có một cuộc chiến tranh thì một thứ khác đến, Cà Phê! Cà phê ùn ùn kéo về từ khắp mọi ngã!

Cà phê nhân đến từ Mexico, Jamaica, Berlin và St. Petersburg. Qua một đêm, nhiều tỷ phú mất sạch, hàng trăm người tự tử. Một thời đại mới bắt đầu, từ nay trở đi giá cà phê sẽ xoay chuyển dữ dội do đầu cơ, chính trị, thời tiết và những nhức nhối của chiến tranh. Cà phê đã trở thành mặt hàng quốc tế mà trong suốt phần sau này của thế kỷ 19, chúng sẽ hoàn toàn chuyển dịch nền kinh tế, sinh thái & chính trị của Mỹ La Tinh

Chuỗi sự kiện lịch sử đến giai đoạn này gần như đã đưa cà phê vào guồn quay của nền kinh tế hiện đại – mà vẫn còn vận hành cho đến nay. Kinh tế học cà phê kể từ thế kỷ 19 đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể về cách con người sản xuất và tiêu thụ cà phê, tuy nhiên về mặt thương mại gần như không có nhiều thay đổi, cà phê hầu như không thể tách khỏi sự chi phối của các lực lượng thị trường (đầu cơ & trích trữ là hai động lực chính). Nhìn chung nó vẫn bất ổn và kèm theo nhiều nghịch lý, trong đó sâu sắc nhất là giá cả và vấn đề định giá luôn được đặt lên hàng đầu trong thương mại cà phê hiện nay.


Nguồn tham khảo:

  • Theo Sách Hành Trình Cà Phê | Lịch sử thế giới quanh ly cà phê (Uncommon grounds: The history of coffee and how transformed our world).
  • All About Coffee – Book by William H. Ukers (1922) International Copyright Secured All Rights Reserved in U.S.A. and Foreign Countries.
/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
Picture of ng.tg.haivan
ng.tg.haivan

Cà phê mà không có con người chỉ là một cấu trúc mang tính lý thuyết. Con người không có cà phê ở một chừng mực nào đó cũng thiếu đi tính vẹn toàn.
-- Pour Your Heart Into It (1997) --

Picture of ng.tg.haivan
ng.tg.haivan

Cà phê mà không có con người chỉ là một cấu trúc mang tính lý thuyết. Con người không có cà phê ở một chừng mực nào đó cũng thiếu đi tính vẹn toàn.
-- Pour Your Heart Into It (1997) --

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BẠN ĐANG TÌM ĐIỀU GÌ ??

QUẢNG CÁO "NHÀ TRỒNG"

» Ghé thăm Thư Viện Tài Nguyên để xem các nội dung mới từ PrimeCoffee!

VỀ PRIME COFFEE

PrimeCoffee không được vận hành bởi những chuyên gia và cũng không có động cơ thương mại thực sự, đây là một nơi dành cho bất kỳ ai yêu thích cà phê. Chia sẻ kiến thức một cách chuyên nghiệp & minh bạch là ưu tiên hàng đầu của Prime, không có quảng cáo và không gây nên xung đột lợi ích tiềm ẩn cho bất kỳ mắt xích nào trong ngành cà phê. Để đạt được điều này Prime luôn biết ơn sự đóng góp & ủng hộ của các bạn đã giúp Prime hữu ích hơn với cộng đồng – Tất cả sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu đi các bạn!

Vì không có gì khác ở đây ngoài nội dung học thuật, nên PrimeCoffee luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác cũng như mong muốn người khác tôn trọng quyền của Prime! Bạn có thể sử dụng, chia sẻ các thông tin trên đây miễn là tuân thủ theo các nguyên tắc Bản Quyền của PrimeCoffee. Chúng mình luôn sẵn sàng nhận các phản hồi, bình luận để giúp trang tin tốt hơn và cuối cùng, đừng quên ghé thăm Fanpage để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!

 

/ BÀI VIẾT TƯƠNG TỰ /
Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Nguồn gốc của cây cà phê ở Việt Nam

Năm 2020, Việt Nam sản xuất hơn 1,7 triệu kilôgam cà phê, chiếm 16% sản lượng toàn cầu¹. Trong khi câu chuyện về việc Việt Nam trở thành một gã khổng lồ trên thị trường cà phê quốc tế đã

/ ĐÁNG CHÚ Ý /