Thuật ngữ “Làn sóng cà phê” dùng để chỉ một khoảng thời gian hoặc giai đoạn trong ngành cà phê. Những làn sóng này thể hiện những thay đổi lớn trong ngành cũng như những thay đổi trong văn hóa toàn cầu do chính cà phê mang lại. Thuật ngữ (Wave of coffee) này được Trish Rothgeb đặt ra vào năm 2002 và được xuất bản trên Roasters Guild Publication, cô đã xác định ba phong trào cà phê lớn qua cách gọi “những làn sóng”. Những đợt sóng nối tiếp hàng thế kỷ này đã liên tục làm mới diện mạo của ngành cà phê, với các biến đổi mạnh mẽ làm nên cách chúng ta tiêu thụ và sản xuất cà phê trong hiện tại.
Mỗi làn sóng bắt đầu bằng một sự thay đổi lớn, để làm ví dụ rõ ràng ta hãy so sánh những thay đổi này với những thay đổi do cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất hay thứ hai gây ra, sau những thay đổi này thế giới công nghiệp đã thay đổi vĩnh viễn, cũng như cà phê đã có những thay đổi mang tính đột phá sau đó.
Lịch sử và sự phân chia làn sóng cà phê
Nói về lịch sử của ngành cà phê thế giới qua từng thời kỳ, các nhà “sử học caffein” đã xem xét các xu thế và thay đổi quan trọng đã xảy ra để định hình nên ngành cà phê ngày nay. Qua đó hầu hết các sử gia đều đồng ý rằng có ba giai đoạn lớn và quan trọng trong sự biển đổi của ngành cà phê thế giới. Điều thú vị hơn nữa là những “làn sóng” này chỉ mới dậy lên gần đây trong lịch sử (đầu những năm 1900) mặc dù cà phê đã được tiêu thụ từ ít nhất là 15 thế kỷ trở về trước.
Sau đây là tổng quan về từng sóng và trước khi chúng được giải thích sâu hơn:
- Làn sóng thứ nhất: Nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng theo cấp số nhân và sự ra đời của cà phê hòa tan.
- Làn sóng thứ hai: Chú trọng nâng cao trải nghiệm cà phê và cuộc Cách mạng của cà phê đặc sản (Specialty Coffee)
- Làn sóng thứ ba: Sư gia tăng mạnh mẽ của phong trào Specialty Coffe, tập trung vào pha chế thủ công và tiêu thụ cà phê bền vững.
Bài đăng này chỉ đề cập tổng quan ba làn sóng chính, đối với làn sóng cà phê thứ ba, chúng mình sẽ đề cập riêng, đầy đủ & chi tiết vì nó có tác động lớn nhất đến tiêu thụ cà phê hiện đại của chúng ta.
Quán cà phê – một làn sóng… không chính thức!
Không bao lâu sau khi người Ethopia tìm ra cà phê, thứ thức uống này đã được người Ả Rập bên kia Biển Đỏ buôn bán rất mạnh. Rất có thể chuyện này xảy ra khi người Ethiopia xâm chiếm và thống trị Yemen vào khoảng những năm 50 của thế kỷ thứ 6. Đến cuối thế kỷ 15, những người hành hương đã mang cà phê đi khắp thế giới hồi giáo ở Ba Tư, Ai cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi, biến nó thành một món hàng sinh lợi.. (xem thêm Lịch sử cà phê thế kỷ 16-17)
Mặc dù thời kì đầu được xem như một thứ thức uống với mục đích tôn giáo, nhưng sau đó cà phê đã nhanh chóng có mặt trong cuộc sống thường ngày. Người giàu thì có phòng riêng để thưởng thức cà phê, những kẻ không có điều kiện thì đến các quán cà phê (còn được gọi là kaveh kanes). Kaveh kanes đã nhanh chóng trở thành một không gian phổ biến cho mọi người đến với nhau, chia sẻ thông tin và thảo luận về chính trị, cuộc sống.. bên cạnh việc thưởng thức một loại chất “kích thích”
Các quán cà phê trở thành những địa điểm rất nổi tiếng, trên thực tế nhiều nhân vật lịch sử đã có mặt tại các quán cà phê như một văn phòng thường nhật thay cho nhà của họ. Trong các ghi chép lịch sử, Benjamin Franklin đã thảo ra Hiệp Ước Liên minh Pháp – Mỹ năm 1778 tại quán cà phê Procope (Café de Procope là quán cà phê đầu tiên được mở tại Pháp, vẫn còn hoạt động đến nay) – một trong số rất nhiều các quán cà phê ông từng ghé thăm trong suốt chuyến đi trên lục địa châu Âu.
Mặc dù không được coi là “làn sóng” của ngành cà phê nhưng sự ra đời của các quán cà phê là một bước ngoặt quan trọng ghi nhận nhiều tác động xã hội của cà phê trước khi thực sự dậy lên làn sóng cà phê đầu tiên. Và nếu không có các quán cà phê đầu tiên này, thì chúng ta khó mà tiên liệu ngành cà phê hai thế kỷ sau sẽ như thế nào.
Làn sóng cà phê thứ nhất
Đến đầu những năm 1800, cà phê là một mặt hàng trọng yếu ở hầu hết các quốc gia hiện đại. Do được tiêu thụ hàng loạt, cà phê đã trở thành một trong những nguồn tài nguyên giao dịch lớn nhất trên toàn thế giới. Trong giai đoạn này, cà phê phổ biến nhưng không dễ tiếp cận. Do bị đánh thuế theo khối lượng cũng như khả năng bảo quản kém, dễ hư hỏng. Cà phê ít được tiêu dùng tại nhà, mà được phục vụ qua các quán, hoặc các nhà rang xay bán lẻ.
Vấn đề trên đã thúc đẩy các doanh nhân muốn tìm cách để làm cho cà phê phổ biến hơn với giá cả phải chăng. Và từ giữa thế kỷ 18, các công ty như Maxwell House, Folgers đã bắt đầu chế tạo các sản phẩm để lưu trữ cà phê trong nhà hiệu quả.
Hai sáng kiến lớn trên thị trường mới này, là các Bao bì chân không (vẫn được sử dụng cho đến nay trong hầu hết các bao bì cà phê) và Cà phê Hòa tan – Instant Coffee (một lần nữa, vẫn được sử dụng bởi hàng tỷ người). Hai sản phẩm này đã giúp loại bỏ sự phụ thuộc vào các nhà rang xay địa phương và làm cho cà phê dễ dàng tiếp cận hơn bằng cách đặt nó trên các kệ hàng tạp hóa hoặc cửa hàng tiện lợi.
Các máy hút chân không đã giúp tăng thời hạn sử dụng của cà phê và đưa nó ra xa khỏi cơ sở rang xay mà không phải đánh mất chất lượng. Về mặt xã hội, điều này làm cho cà phê từ một thức uống được định nghĩa cho tầng lớp thượng lưu trở thành thức uống của quần chúng.
Mặc dù các thương hiệu như Maxwell House, Folgers đã thành công trong việc dẫn đầu làn sóng cà phê và mang cà phê đến với đại chúng. Nhưng với quan điểm hiện tại về chất lượng cà phê, nhiều nhà sử học phê bình làn sóng cà phê đầu tiên đã hy sinh chất lượng và hương vị trong quy trình sản xuất công nghiệp, đã gián tiếp khơi màu cho làn sóng cà phê thứ hai trong lịch sử
Làn sóng cà phê thứ hai
Từ cuối thế kỷ 19, cà phê đã bước vào thời kỳ của sự phục hưng. Các công ty như Starbucks, Peets Coffee và những công ty khác… đã khai thác khía cạnh cộng đồng của cà phê và làm cho nó trở thành một trải nghiệm thú vị chứ không đơn thuần là việc “nốc” caffeine vào mỗi sáng.
Làn sóng cà phê thứ hai đã tập trung vào việc thưởng thức cà phê vì chất lượng và trải nghiệm mà nó mang lại. Cái tên đề cử trong thời kỳ này là Howard Schultz – chủ sở hữu của Starbucks. Sau khi chiêm nghiệm được từ Ý các loại cà phê Espresso với một không gian cộng đồng chuyên biệt ông đã mang trải nghiệm này về nước Mỹ, và tạo nên một làn sóng thực thụ.
Mọi thứ không dừng lại ở trải nhiệm “chốn thứ ba” (một cách gọi các không gian quán Starbucks) đã dựng nên vào thời kì này. Chúng ta còn phải nhắc đến sự tiến triển trong nhận thức của người dùng, những khách hàng tìm đến cà phê và được học hỏi nhiều hơn về hương vị của cà phê. Nhu cầu dần dần tăng, dẫn đến sự tìm kiếm một “cái gì đó ngon hơn”, các cửa hàng cà phê và nhà rang xay bắt đầu thử nghiệm với các mức độ rang khác nhau và sử dụng hỗn hợp cà phê từ khắp nơi trên thế giới. Họ bắt đầu phân tích, so sánh và đối chiếu những loại cà phê đó để xem xét những trải nghiệm hương vị mới mẻ.
Từ đây, các chuyên gia cà phê bắt đầu nhận thấy rằng có sự khác biệt rõ rệt trong các loại cà phê đến từ những vùng / Quốc gia khác nhau. Điều này đã lấp đầy sự đa dạng hương vị mà người tiêu dùng mong muốn khám phá từ cà phê. Đối với các doanh nghiệp, đây là cơ hội để các quán cà phê đón đầu làn sóng tiếp cận thị trường với các loại cà phê đặc chủng (single origin coffee) của riêng mình và cung cấp trải nghiệm Specialty Coffee – Một bước tiến rõ rệt so với loại cà phê phổ thông dùng tại nhà.
Điều gì còn tiếp diễn?
Vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, làn sóng cà phê thứ hai đã vực dậy một nơi để mọi người thường xuyên tụ tập và nói về cuộc sống. Giống như những quán cà phê đầu thế kỷ 15, cà phê lại một lần nữa trở thành một trải nghiệm xã hội để mọi người tham gia và hơn hết là tạo dựng thành công khái niệm Specialty Coffee.
Khi người tiêu dùng hiểu nhiều hơn về loại cà phê họ uống, nhu cầu về cà phê chất lượng cao được thúc đẩy. Cả người dùng cà phê và người sản xuất ngày càng nhận thức rõ hơn về chuỗi cà phê và giá trị mà loại cà phê ấy cung cấp – ngoài caffeine. Đây là bước chuyển cho một làn sóng mới – Làn sóng cà phê thứ ba.
Nguồn tham khảo:
- www.coffeeb.net/ History of first second wave coffee
- www.craftbeveragejobs.com/ The History of First, Second, and Third Wave Coffee