Kenya chứa đựng những điều thú vị và phức tạp nhất trong lịch sử chinh phục thế giới của cà phê. Dù chia sẻ đường biên giới với với Ethiopia – Cái nôi của mọi giống cà phê, thì phải gần 300 năm sau khi cà phê được buôn bán rộng rãi trên toàn cầu thì cây cà phê mới có mặt tại Kenya. Trên thực tế, các giống cà phê được đưa đến Kenya đã đi vòng quanh địa cầu trước khi chúng tìm đường trở lại lục địa châu Phi.
Kenya không có một nền văn hóa cà phê như người láng giềng Ethiopia. Hầu hết người Kenya thích uống trà (Kenya từng là thuộc địa của Anh), và văn hóa cà phê chủ yếu dành cho khách du lịch tại các thành phố lớn.
Ban đầu cà phê được sản xuất trên các điền trang lớn dưới sự cai trị của thực dân Anh, và kết quả là cà phê chỉ được bán ở London. Năm 1933, Đạo luật Cà phê được thông qua, Kenya thành lập Hội đồng Cà phê Kenya và tiếp quản việc buôn bán cà phê. Năm 1934, hệ thống đấu giá được thành lập và nó vẫn được duy trì cho đến ngày nay; một năm sau – 1935 các giao thức mới được tạo ra để phân loại cà phê nhằm giúp cải thiện chất lượng.
Lịch sử canh tác cà phê
Về mặt lịch sử, những cây cà phê đầu tiên được đưa đến Kenya bởi các nhà truyền giáo người Scotland (Anh) và người Pháp. Thoạt đầu người Pháp mang đến giống Bourbon được cấy từ đảo Bourbon (nay gọi là Reunion) sang Tanzania và Kenya. Sau đó đến lượt người Anh mang vào giống Mocha, những giống khác nhau sau đó tiếp tục được mang vào và góp phần nâng cao chất lượng của cà phê của Kenya cho đến ngày nay.
Trong thời gian là thuộc địa của Anh, cà phê được trồng tập trung trong các đồn điền. Những năm 1920 do yêu cầu từ thị trường châu Âu ngày càng lớn, cà phê trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của Kenya. Trong những năm 1930, hệ thống đấu giá đã được phát triển, để dân chủ hóa thị trường cho nông dân.
Từ những năm 1950, một đạo luật nông nghiệp đã được thông qua đã đánh dấu sự khởi đầu của việc chuyển giao sản xuất cà phê từ người Anh sang người Kenya. Điều này giúp sản xuất tiểu điền tăng lên đáng đáng kể, với tổng thu nhập tăng từ 5,2 triệu bảng Anh năm 1955 lên 14 triệu bảng Anh năm 1964. Đáng chú ý, sản lượng cà phê chiếm 55% mức tăng này.
Sản xuất cà phê tại Kenya
Kenya giành được độc lập vào năm 1963 và hiện liên tục sản xuất cà phê chất lượng cao kể từ đó. Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ở Kenya được đánh giá là xuất sắc, và nhiều nông dân được đào tạo chuyên sâu về sản xuất cà phê. Đồng thời hệ thống đấu giá của Kenya đã thúc đẩy nhà sản xuất chú trọng vào chất lượng với giá tốt hơn, các số liệu sau đây được thống kê bởi CafeImports vào năm 2017:
Quy mô sản xuất:
- Dân số tham gia vào ngành cà phê: xấp xỉ. 700.000
- Quy mô trang trại trung bình: 1-14 ha đối với nông hộ nhỏ, 15-50 ha đối với các nông trại lớn
- Sản lượng xuất khẩu hàng năm: 700.000 đến 1 triệu bao (60 kg)
Hoạt động canh tác cà phê Kenya:
- Các khu vực đang canh tác cà phê: Bungoma, Embu, Kiambu, Kirinyaga, Kisii, Machakos, Mt. Elgon, Murang’a, Nakuru, Nyeri, Taita Taveta, Thika, Tran-Nzoia
- Giống cà phê phổ biến: SL28, SL34, Bourbon gốc Pháp, Ruiru 11, Batian, K7 …
- Phương pháp chế biến: Kenya Washed – một quy trình chế biến ướt với quá trình ngâm ủ kéo dài từ 12h đến 72h
- Cách phân loại cà phê: Phân loại theo kích cỡ hạt, trong đó Kenya AA là lớn nhất (17/18 ss), kế đến là AB (15/16 ss), PB (peaberry – 16 ss hoặc 4,74 mm)
Kenya SL-28 & SL-34
Hai giống cà phê đặc biệt của Kenya thu hút sự quan tâm lớn từ ngành cà phê đặc sản. Chúng được đặt tên là SL28 và SL34 thuộc nhóm giống Bourbon, và nằm trong số bốn mươi giống thử nghiệm được sản xuất như một phần của nghiên cứu do Guy Gibson đứng đầu tại Phòng thí nghiệm nông học Scott.
SL28 và SL34 chiếm phần lớn cà phê chất lượng cao từ Kenya, nhưng chúng rất dễ bị bệnh gỉ sắt. Rất nhiều công việc đã được thực hiện để tạo ra các giống kháng bệnh gỉ sắt ở Kenya. Ruiru 11 là sản phẩm đầu tiên được coi là thành công của ngành cà phê Kenya, mặc dù nó không được những người mua cà phê đặc sản đón nhận nồng nhiệt.
Gần đây hơn, họ đã phát hành một loại có tên là Batian. Vẫn còn một số hoài nghi đối về hương vị của nó sau sự thất vọng của Ruiru, mặc dù chất lượng dường như đang được cải thiện tích cực, với kỳ vọng lớn hơn dành cho tiềm năng của Batian trong tương lai
Phương pháp chế biến ướt
Ngoài tính đặc thù của của nguồn giống được hậu thuẫn bởi độ cao lý tưởng thì quá trình chế biến còn đóng góp đáng kể vào hồ sơ hương vị của các loại cà phê từ Kenya. Mặc dù quy mô canh tác nhỏ lẻ, song các trạm chế biến cà phê (washing station) rất phổ biến.
Tại các trạm chế biến này, nông dân sẽ mang cà phê được thu hoạch đến, cân khối lượng, lấy biên nhận, rồi cho vào một thiết bị tên là “depulper” (máy xát vỏ cà phê). Sau khi sát vỏ cà phê được lên men trong 24 – 48h rồi cho vào bể rữa để loại bỏ chất nhày, và phơi khô trong 7 – 10 ngày (cà phê thường được sấy khô đến khi độ ẩm còn 11 – 12%).
Cách phân loại cà phê Kenya
Kenya sử dụng một hệ thống phân loại cho tất cả cà phê xuất khẩu của mình, bất kể lô đó có truy xuất được nguồn gốc hay không. Cũng như ở nhiều quốc gia khác, hệ thống phân loại sử dụng sự kết hợp giữa kích thước và chất lượng hạt (hình dạng, màu sắc và độ đồng đều).
Mặc dù không có nghiên cứu nào khẳng định chất lượng cà phê phụ thuộc vào kích cỡ hạt, thì cà phê vẫn được phân loại theo cỡ hạt như một đặc thù của cà phê tại Kenya – Hạt cà phê càng lớn, giá trị càng cao.
Yêu cầu đối với hạt Kenya AA: Màu (Screen) 21 ; Trên sàng (retained on) 17 hoặc 18 (17/64 hoặc 18/64 của một inch) ; Đường kính khoảng 7.2 mm.
Các phân loại cà phê Kenya sẽ chọn ra các hạt cà phê lớn nhất và tốt nhất từ Kenya được xếp hạng Kenya AA . Tiếp theo còn có Kenya E (Elephant Bean), Kenya PB ( Peaberry ) , Kenya AB, Kenya C, Kenya TT, Kenya T và Kenya MH / ML.
Thị trường giao dịch cà phê Kenya
Cà phê được bán tại Kenya thông qua hai hệ thống chính: bằng cách đấu giá tại Sở Giao dịch Cà phê Nairobi (Thủ đô Kenya) hoặc thông qua bán hàng trực tiếp, thường được gọi là ” Second Window” (Cửa thứ 2). Kể từ khi thành lập hệ thống đấu giá vào những năm 1930 khi còn là thuộc địa của nước Anh, đa số cà phê tại Kenya được giao dịch theo phương thức này. Thông qua hệ thống này, giá của các loại cà phê có chất lượng cao có thể tăng lên, vì các đại lý sẽ cố trả giá để thu mua cà phê chất lượng cao mỗi tuần.
Hệ thống đấu giá
Mỗi hợp tác xã sản xuất (Co-operative society) sẽ làm việc với một đại lý tiếp thị (Marketing Agent), có trách nhiệm mang cà phê ra đấu giá để bán cho người đấu giá cao nhất. Các đại lý sẽ tính một khoảng chi phí 1,5-3% giá cà phê và đóng thuế với chính phủ trong việc bán cà phê. Các đại lý sẽ tiếp thị, bán cà phê của họ cà phê cho các nhà thầu quan tâm và trả giá cao nhất, sàn đấu giá diễn ra vào các ngày Thứ ba hàng tuần trong suốt cả năm ở Nairobi.
Bán trực tiếp – Second Window
Đơn giản chỉ là việc mua bán thỏa thuận thông thường giữa nông dân và nhà buôn thôi. Việc giới thiệu cửa thứ 2 đã tạo ra một lối đi khác mà trong đó nông dân và người mua (ví dụ như nhà rang xay hoặc nhà nhập khẩu) có thể đàm phán một mức giá riêng biệt với đấu giá tại cuộc bán đấu giá, không thông quan trung gian.
Nguồn tham khảo:
- The World Atlas of Coffee: From Beans to Brewing – Coffees Explored, Explained and Enjoyed book by James Hoffmann
- Origins Coffee – Resource: www.cafeimports.com
- Coffee-Obsession Magazine by Anette Moldvaer ; Published in the United States by DK Publishing – 2014