Brazil là nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới trong hơn 150 năm. Hiện nay, Brazil trồng khoảng một phần ba lượng cà phê của thế giới, mặc dù trước đây thị phần của nước này cao tới 80%. Cà phê được du nhập vào Brazil từvùng thuộc địa Guiana thuộc Pháp vào năm 1727, khi nước này vẫn nằm dưới sự cai trị của Bồ Đào Nha. Cây cà phê đầu tiên ở Brazil được trồng bởi Francisco de Melo Palheta ở vùng Para ở phía bắc đất nước.
Theo các nhà sử học, Palheta đã đến thuộc địa Guiana của Pháp trong một nhiệm vụ ngoại giao, sau đó quyến rũ vợ của thống đốc ở đó và được bà ta trao cho những hạt giống cà phê giấu trong một bó hoa khi ông rời đi. Cà phê mà ông ta trồng khi trở về nhà chỉ được dùng để tiêu thụ trong nước và nó vẫn là một loại cây trồng tương đối không quan trọng cho đến khi nó bắt đầu đi về phía nam, được chuyển từ vườn này sang vườn khác, từ trang trại này sang trang trại khác và qua nhiều vụ mùa.
Tổng quan về cà phê Brazil
Brazil là nước trồng cà phê lớn hàng đầu thế giới, những thông tin sau đây được thống kê bởi CafeImports vào năm 2017:
Quy mô sản xuất:
- Dân số tham gia vào ngành cà phê: Khoảng 360.000 nông dân & công nhân làm thuê cho nông trại.
- Quy mô trang trại trung bình: từ nông trại nhỏ 0.5 hecta đến những đồn điền 10,000 hecta.
- Sản lượng xuất khẩu hàng năm: 45 – 60 triệu bao (60 kg).
Hoạt động canh tác cà phê Brazil
- Giống cà phê phổ biến: Bourbon (đa phần là Bourbon vàng) Typica, Caturra, Catuai, Catimor, Maragogype…
- Phương pháp chế biến: Đa dạng, phổ biến là chế biến khô và chế biến theo phương pháp truyền thống Pulped Natural.
Phần lớn cà phê Brazil được giao dịch trên thế giới đều xuất phát từ 6 khu vực chính: Minas Gerais (1.22 Triệu ha); Espirito Santo (433,000 ha); Sao Paulo (216,000 ha); Bahia (171,000 ha); Rondonia (95,000 ha); cuối cùng là Parana (49,000 ha).
Brazil canh tác cả hai loại cà phê chính là Arabica và Robusta, trong đó giống cà phê Arabica vẫn chiếm ưu thế với khoảng 85% sản lượng còn lại là Robusta. Tại Brazil, canh tác Arabica tập trung trong cụm khu vực cà phê quốc gia và được dẫn đầu bởi Rio. Trong khi đó cà phê Robusta chủ yếu được trồng ở các bang nhỏ hơn như Espirito Santo (bang này hiện cung cấp cho 80% lượng cà phê robusta) và Rondonia – vùng màu cam ở phía Tây bắc.
Brazil có độ cao địa hình tương đối thấp (95% đất đai Brazil nằm dưới 900m so vớ mực nước biển). Trong khi đó giống Arabica thể hiện chất lượng tốt hơn khi đạt độ cao cần thiết, nên cà phê Arabica từ Brazil hiếm khi có chất lượng cao (không phải là ‘xấu’, nhưng không được coi là ‘cà phê cao cấp’ – xem thêm ảnh hưởng của độ cao đến cây cà phê).
Khởi đâu của thương mại cà phê tại Brazil
Việc sản xuất cà phê thương mại bắt đầu xung quanh sông Paraíba (gần Rio de Janeiro). Khu vực này phù hợp với cà phê, không chỉ vì đất đai lý tưởng, mà còn vì vị trí gần cảng Rio de Janeiro sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho xuất khẩu. Trái ngược với các trang trại cà phê nhỏ hơn từng phát triển mạnh mẽ ở Trung Mỹ, các trang trại thương mại đầu tiên của Brazil là những đồn điền lớn do nô lệ làm công.
Khi đất đai trở nên cạn kiệt do thâm canh, trang trại sẽ chuyển sang khia phá vùng đất khác. Sản lượng cà phê bùng nổ từ năm 1820 đến năm 1830, vượt qua nhu cầu của người uống cà phê Brazil và bắt đầu cung cấp cho thị trường toàn cầu rộng lớn hơn. Những người kiểm soát việc sản xuất cà phê trở nên vô cùng giàu có và rất quyền lực và được gọi là “ông trùm cà phê”. Nhu cầu của họ sẽ có tác động đáng kể đến các chính sách của chính phủ và sự hỗ trợ của chính phủ đối với ngành cà phê.
Đến năm 1830, Brazil sản xuất 30% lượng cà phê trên thế giới. Con số này đã tăng lên 40% vào năm 1840, mặc dù nguồn cung tăng mạnh dẫn đến giá cà phê toàn cầu giảm. Cho đến giữa thế kỷ 19, ngành công nghiệp cà phê của Brazil phụ thuộc vào lao động nô lệ. Hơn 1,5 triệu nô lệ đã được đưa đến Brazil để làm việc trên các đồn điền cà phê.
Trong thời kỳ thuộc địa, các đồn điền cà phê ở Brazil đã làm gia tăng nạn phá rừng (việc trồng cà phê sẽ diễn ra trong vài thập kỷ và chuyển sang vùng đất khác khi đất mất đi độ phì nhiêu). Hoạt động sản xuất cà phê “bề mặt” qua này không gắn kết vào lịch sử của bất kỳ địa phương nào mà còn gắn liền với chế độ nô lệ, đàn áp – Từng có thời kỳ 1/3 dân số Brazill là nô lệ tham gia vào canh tác cà phê và nước này cũng là quốc gia sau cùng xóa bỏ chế độ nô lệ.
Khi người Anh ngừng buôn bán nô lệ cho Brazil từ châu Phi vào năm 1850, Brazil đã chuyển sang lao động nhập cư hoặc buôn bán nô lệ nội địa. Có rất nhiều lo ngại rằng việc bãi bỏ chế độ nô lệ ở Brazil vào năm 1888 sẽ gây nguy hiểm cho ngành cà phê, nhưng vụ thu hoạch vẫn tiếp tục thành công từ năm đó trở đi.
Đợt bùng nổ thứ hai “A Second Boom”
Một đợt bùng nổ cà phê thứ hai diễn ra từ những năm 1880 đến những năm 1930, “A Second Boom” đặt tên theo hai sản phẩm quan trọng nhất thời bấy giờ, của cả hai ông trùm cà phê từ Sao Paolo và các nhà sản xuất sữa ở Minas Gerais.
Giai đoạn này cũng chứng kiến chính phủ Brazil bắt đầu thực hiện định giá, một biện pháp bảo hộ được thiết kế để ổn định giá cà phê. Chính phủ sẽ mua cà phê từ các nhà sản xuất với giá cao khi thị trường thấp và giữ nó cho đến khi thị trường cao. Điều này duy trì giá cà phê ổn định đối với các ông trùm cà phê, và ngăn chặn tình trạng dư cung khiến giá cà phê giảm.
Vào những năm 1920, Brazil đã sản xuất 80% lượng cà phê của thế giới và cà phê đã tài trợ cho một lượng lớn cơ sở hạ tầng của đất nước. Sản lượng không suy giảm này dẫn đến lượng cà phê dư thừa lớn. Cuối cùng, chính phủ Brazil đã đốt khoảng 78 triệu bao cà phê dự trữ trong nỗ lực tăng giá cà phê, mặc dù nó không ảnh hưởng nhiều đến họ.
Hạn ngạch và đại suy thoái
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một nỗ lực nhằm ổn định giá cà phê qua hiệp định quốc tế đã được ký kết dựa trên hệ thống hạn ngạch. Thỏa thuận này đã đẩy giá cà phê lên cao cho đến khi nó ổn định vào giữa những năm 1950 và được coi là tiền thân của Hiệp định Cà phê Quốc tế (ICA) rộng lớn hơn nhiều được ký kết vào năm 1962, bao gồm 42 quốc gia sản xuất.
Hạn ngạch được cố định theo giá cà phê chỉ số, do Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) xác định. Nếu giá giảm thì hạn ngạch giảm, và nếu giá tăng thì hạn ngạch được tăng lên.
Thỏa thuận này kéo dài đến năm 1989 thì tan vỡ sau khi Brazil từ chối chấp nhận giảm hạn ngạch. Brazil tin rằng họ là một nhà sản xuất cực kỳ hiệu quả và có thể phát triển thịnh vượng bên ngoài thỏa thuận. Kết quả của sự đổ vỡ của ICA là một thị trường không được kiểm soát, và giá cả giảm mạnh trong 5 năm sau đó, dẫn đến cuộc khủng hoảng cà phê sẽ truyền cảm hứng cho phong trào Thương mại Công bằng trong sản xuất cà phê.
Gã khổng lồ của ngành cà phê
Với việc Brazil là nhà cung cấp cà phê hàng đầu thế giới, bất cứ điều gì ảnh hưởng đến sản xuất ở Brazil đều có tác động trực tiếp đến giá toàn cầu. Một trong những yếu tố đó là chu kỳ luân phiên của vụ mùa hàng năm của Brazil. Qua nhiều năm, rõ ràng Brazil sẽ luân phiên giữa một vụ thu hoạch lớn và thu hoạch nhỏ (bắt nguồn từ chu kỳ tự nhiên của cây phê). Một số công việc (chẵn hạn như cắt tỉa cành) đã được thực hiện trong những năm gần đây để cố gắng giảm thiểu tác động này, và ổn định hơn qua từng năm.
Nếu như biến động chu kỳ của vụ mùa có thể làm biến động nhẹ, thì băng giá tại Brazil lại có có thể làm “lật đổ” toàn bộ thị trường cà phê. Sương giá (White Frosts) hay còn gọi là sương muối sẽ làm chết những bông hoa, chồi non trong giai đoạn phát triển. Vì vậy sương muối chỉ ảnh hưởng lớn đến vụ thu hoạch năm sau, song các đợt sương muối nghiêm trọng có thể giết chế toàn bộ cây cà phê trưởng thành. Khi cà phê được tái canh sau đợt sương muối nó phải mất nhiều năm sinh trưởng cho đến khi thu hoạch.
Brazil từng là nước sản xuất cà phê lớn nhất bị tổn thất do sương muối. Trong quá khứ, đã có những sự cố nghiêm trọng như sương giá đen năm 1975, làm giảm gần 75% vụ mùa năm 1976/77. Do sương giá, giá cà phê toàn cầu gần như tăng gấp đôi ngay lập tức. Năm 2000 và 2001 có hai năm liên tiếp mất mùa, dẫn đến một vụ thu hoạch lớn vào năm 2002, với sản lượng cà phê khổng lồ. Điều này trùng hợp với một thời gian dài khác của giá cà phê thấp, do dư thừa cà phê trên thị trường toàn cầu.
Hoạt động sản xuất cà phê Brazil
Không thể phủ nhận Brazil là quốc gia sản xuất cà phê công nghiệp và tiên tiến nhất trên thế giới. Với việc tập trung vào năng suất và sản lượng, nó đã không giữ được danh tiếng về sản xuất cà phê chất lượng cao.
Hầu hết các trang trại lớn sử dụng các kỹ thuật hái dảy, trong đó toàn bộ cành và quả bị tước đi chỉ trong một lần. Nếu các đồn điền lớn và bằng phẳng (phổ biến ở các trang trại cà phê lớn hơn của Brazil), họ sử dụng máy thu hoạch (như clip trên) để lắc quả cà phê rớt khỏi cành. Cả hai phương pháp đều không tính đến độ chín, và kết quả là có một số lượng lớn quả chưa chín trong cà phê đã thu hoạch.
Trong một thời gian dài, Brazil cũng đã chế biến rất nhiều cà phê của mình bằng cách phơi cà phê trên sân. Sự ra đời của quy trình Pulped Natural (chế biến mật ong) vào đầu những năm 1990 đã giúp cải thiện chất lượng, trong nhiều năm, các nhà sản xuất cà phê đặc sản của Brazil – những người hái cà phê của họ bằng tay, sau đó chế biến ướt chúng, đã chiến đấu chống lại danh tiếng về chất lượng thấp của cà phê Brazil.
Một trong những vai trò quan trọng của Brazil trong ngành cà phê, là sự đóng góp đáng kể cho tính đa dạng sinh học của giống loài cà phê trên thế giới. Rất nhiều giống cà phê Arabica đột biến tự nhiên hoặc được lai tạo đã phổ biến bên ngoài biên giới Brazil và đến với khu vực Mỹ La Tinh trước phổ biến toàn cầu.
Điển hình như cây cà phê Caturra một dạng đột biến lùn của giống cà phê Boubon được thực hiện bởi Viện Nông nghiệp Brazil (Agronomic Institute of Campinas – IAC), hay giống Mundo Nouvo đang phổ biến tại khu vực Trung Mỹ cũng được lai tạo từ cà phê Brazil.
Tiêu thụ nội địa
Ngay từ buổi đầu lịch sử, trong giai đoạn thuộc địa của châu Âu, cà phê Brazil được trồng để cung cấp trong nước, và chỉ xuất khẩu từ đầu thế kỷ 19 do nhu cầu tăng cao từ Hoa Kỳ, và các quốc gia Châu Âu khác. Cà phê đã trở thành một sản phẩm tiêu dùng rất phổ biến với hàng triệu người Brazil, có thể đơn giản là người dân thích uống cà phê chăng hoặc do chính sách vững mạnh của giới đầu ngành Brazil.
Theo Hiệp hội Cà phê thế giới, Brazil là nước tiêu thụ cà phê nội địa cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ và là nước có lượng tiêu thụ nội địa cao nhất trong các nước sản xuất cà phê. Hiện nay Brazil tiêu thụ nội địa hằng năm khoảng 600.000 tấn cà phê, lượng tiêu thụ cà phê bình quân đầu người đạt tới 4,7 kg/năm.
Không có hạt cà phê thô nào có thể được nhập khẩu vào Brazil – ngược lại họ nhập khẩu một số mặt hàng nông sản khác – như lúa mì, vì quá mải mê trồng cà phê. các quán cà phê đã xuất hiện khắp các thành phố lớn, giá cà phê ở những nơi này tương đương với các quán cà phê ở Hoa Kỳ và châu Âu, vì vậy chúng đã trở thành một biểu tượng khác cho sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng ở Brazil.
Việt Nam vốn là nước sản xuất cà phê chỉ đứng sau Brazil và là nước đứng đầu về sản xuất cà phê vối, nhưng sản lượng tiêu thu nội địa khi so sánh với Brazil hoàn toàn khập khễnh. Khi hầu hết cà phê nhân được sản xuất ra là để phục vụ xuất khẩu thì thói quen thưởng thức cà phê của người Việt vẫn lục đục xoay quanh hai vấn đề Sạch – Bẩn. Chắn chắn là còn rất lâu để có một thị trường nội địa vững chắc cho cây cà phê Việt Nam.
Nguồn tham khảo:
- The World Atlas of Coffee: From Beans to Brewing – Coffees Explored, Explained and Enjoyed book by James Hoffmann
- Origins Coffee – Resource: www.cafeimports.comBrazil
- Coffee production in Brazil: www.en.wikipedia.org
2 bình luận
1. Gọi là sương muối vì khi có hiện tượng này có các hạt tuyết rất nhỏ (giống muối).
“White Frosts” là tiếng Anh, trong khi từ “sương muối” này đã có lâu đời và không phải dịch từ tiếng Anh ra (có thể là dịch từ tiếng Hán).
Giống như bạn hỏi, tại sao lại là tôi, tớ, tại sao tiếng Anh lại chỉ có “I” vậy.
2. Năm 1727, Brazil bắt đầu trồng cà phê.
Năm 1822, Brazil đã được độc lập rồi.
Năm 1888, Việt Nam mới bắt đầu trồng cà phê.
Trong khi đó, cà phê ở Việt Nam chỉ dành phục vụ cho giới nhà giàu và người Pháp, cũng như xuất khẩu. Người Việt thì toàn xài thuốc phiện với rượu (chính sách của Pháp).
Việt Nam tiếp xúc với cà phê rất lâu sau các quốc gia ở Trung Đông – Bắc Phi, phương Tây, cũng như Mỹ Latinh. Lại còn Không được sử dụng mà chỉ phục vụ giới nhà giàu và xuất khẩu.