Thuộc tính Acidity • SCA Cupping Form
NỘI DUNG CHÍNH

Cường độ của độ chua (Acidity) trong cà phê, được cupper mô tả khách quan từ thấp đến cao – trên một thang đo dọc (intensity) trong biễu mẫu cupping, kết hợp với việc ghi nhận các ấn tượng cảm quan liên quan đến đặc tính của vị chua ấy. Cần nhấn mạnh, thang đo này chỉ là hoạt động mang tính mô tả và không nhằm mục đích truyền tải bất cứ điều gì về sở thích hoặc chất lượng của cà phê.

Thuộc tính Acidity trên biểu mẫu Cupping

Vị chua của cà phê – nó thường bị hiểu nhầm!

Chúng ta có thể nghĩ đến một thứ gì đó chua, gắt, và tương đối khó chịu, chẳng hạn như nước chanh, giấm nguyên chất, v.v… Nhưng trong bối cảnh của cà phê, độ chua hay “tính axit” thường là một đặc tính mong muốn.

Dung dịch axit có pH nhỏ hơn 7 và pH càng thấp thì độ chua càng cao (ví dụ: nước cam có pH ≈ 3, nước bọt có pH ≈ 6,5). Do đó, khi chúng tôi nói rằng, bạn không nên xem axit trong cà phê là một vị chua thực sự và gán nó lên thang đo pH, thì điều này thật mâu thuẫn. Tuy nhiên, trên thực tế các chuyên gia so sánh vị chua của cà phê với một loại trái cây nào đó, để ám chỉ vị chua của nó gần giống với vị chua gây nên bởi loại axit chính trong loại trái cây đó. Táo xanh chứa chủ yếu axit malic (với pH≈3) trong khi chanh chứa nhiều axit citric với (pH≈1). Như vậy, vì quả táo có tính axit thấp hơn chanh, nên một loại cà phê có “độ chua của táo” chắc chắn sẽ ít chua hơn cà phê có “độ chua của chanh”.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc vì sao cùng là thuộc tính “chua” lại gây nên nhiều mức độ cảm nhận khác nhau trong cà phê: Một số axit dễ bay hơi (ví dụ như axit formic và axit acetic) có thể đồng thời kích thích khứu giác cùng với vị giác; các axit khác, như axit quinic, có một độ se hoặc đắng nhất định ngoài vị chua (do cấu trúc phân tử của chúng); độ mạnh của một axit có thể mang đến các đặc điểm cảm quan khác nhau, tùy thuộc vào việc là axit yếu hay axit mạnh chúng sẽ được cảm nhận thông qua các con đường thụ cảm khác nhau trong các chồi vị giác. Ngoài ra, độ mạnh của cà phê được đo bằng “tổng chất rắn hòa tan”, nói cách khác cà phê càng đậm, càng nhiều chất hòa tan sẽ có càng nhiều axit và gây nên vị chua càng rõ nét.

Đánh giá vị chua trong cupping

Đôi khi, cupper có thể chọn ghi chú một mô tả đặc biệt liên quan đến tính axit của cà phê: ví dụ như axit citric, axit tartaric hoặc axit malic. Một lần nữa, các mô tả thuộc tính tiêu chuẩn trong Vòng tròn hương vị cà phê hoặc từ điển hương vị cần được ưu tiên sử dụng. Nếu vị chua tiêu cực, nó có thể được gọi là “chua gắt” hoặc “chua chát” (harsh, tart) và độ chua tích cực mang đến cảm giác trái cây “tươi sáng”, “sống động” (bright, lively).

Minh hoạ cho cách đánh giá thuộc tính Fragrance/Aroma trên Cupping form của SCA

Tiếp theo, cupper sẽ đánh giá ấn tượng về chất lượng độ chua của cà phê, thông qua việc ghi nhận một điểm số trên thang đo ngang (6 đến 10 điểm). Điểm số này nhằm đánh giá chất lượng của cà phê cùng với loại độ chua, dựa trên ước tính giá trị của nó trên thị trường. Ngoài ra, có một số lưu ý khi đánh giá độ chua của cà phê như sau:

  • Các thuộc tính trái cây của cà phê (nếu có) gần như được trải nghiệm và đánh giá ngay lập
    tức khi cà phê được tiếp xúc với miệng lần đầu tiên (chúng là các phân tử có cấu trúc đơn giản và nhẹ nhất).
  • Không giống như các axit hữu cơ khác, axit axetic góp phần tạo nên mùi thơm cũng như vị chua, khi có mặt với một lượng vừa đủ. Tuy nhiên, nồng độ axit axetic quá cao có thể rất tiêu cực.
  • Tính axit có thể không tương quan với điểm chất lượng. Nói cách khác, một loại cà phê
    từ Kenya có độ chua cao và một loại cà phê từ Sumatra có độ chua thấp vẫn có thể nhận được cùng một điểm chất lượng cho độ chua của chúng.

LƯU Ý: Chúng ta cũng chỉ làm việc trong phạm vi 6 đến 10 để ghi điểm cho từng thuộc tính trên cupping form bao gồm cả Fragrance/Aroma. Tại sao không phải là 5? Vì 6 được coi là “good” và nói cách khác nó có chất lượng trên mức trung bình, nếu một loại cà phê có biểu hiện kém chất lượng ở bất kỳ loại thuộc tính nào thì cà phê đó không được coi là đặc sản (Specialty Coffee)

Bài viết này nằm trong nhóm các bài đăng diễn giải 10 thuộc tính cảm quan trong quy chuẩn Cupping của SCA ( hay SCA Arabica Cupping Form) dựa trên kiến thức từ quyển sách Khoa Học Cảm Quan của Prime Coffee. Bạn có thể quay về trang diễn giải thuộc tính, hoặc mua ấn phẩm như một cách ủng hộ PrimeCoffee!

/ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY /
ng.tg.haivan
ng.tg.haivan

Cà phê mà không có con người chỉ là một cấu trúc mang tính lý thuyết. Con người không có cà phê ở một chừng mực nào đó cũng thiếu đi tính vẹn toàn.
-- Pour Your Heart Into It (1997) --

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BẠN ĐANG TÌM ĐIỀU GÌ ??

QUẢNG CÁO "NHÀ TRỒNG"

» Ghé thăm Thư Viện Tài Nguyên để xem các nội dung mới từ PrimeCoffee!

VỀ PRIME COFFEE

PrimeCoffee không được vận hành bởi những chuyên gia và cũng không có động cơ thương mại thực sự, đây là một nơi dành cho bất kỳ ai yêu thích cà phê. Chia sẻ kiến thức một cách chuyên nghiệp & minh bạch là ưu tiên hàng đầu của Prime, không có quảng cáo và không gây nên xung đột lợi ích tiềm ẩn cho bất kỳ mắt xích nào trong ngành cà phê. Để đạt được điều này Prime luôn biết ơn sự đóng góp & ủng hộ của các bạn đã giúp Prime hữu ích hơn với cộng đồng – Tất cả sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu đi các bạn!

Vì không có gì khác ở đây ngoài nội dung học thuật, nên PrimeCoffee luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác cũng như mong muốn người khác tôn trọng quyền của Prime! Bạn có thể sử dụng, chia sẻ các thông tin trên đây miễn là tuân thủ theo các nguyên tắc Bản Quyền của PrimeCoffee. Chúng mình luôn sẵn sàng nhận các phản hồi, bình luận để giúp trang tin tốt hơn và cuối cùng, đừng quên ghé thăm Fanpage để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!