Có một câu chuyện thường được lưu truyền, nhưng chưa được chứng minh về Kaldi, một người chăn dê, trong một lần quan sát thấy những chú dê trong đàn nhai quả cà phê và hưng phấn chạy nhảy tung tẩy, hục hặc với nhau. Kaldi, theo phán đoán tốt của mình, cho những con dê đã nhai loại quả giúp chúng thấy mình tràn đầy năng lượng. Kaldi mang quả cà phê đến một tu viện trong vùng – nơi các nhà sư ném chúng vào lửa. Thay vì thiêu đốt thứ “dược liệu của ác quỷ”, ngọn lửa vô tình nướng chín chúng, tạo ra ly cà phê đầu tiên.

Câu chuyện lưu truyền từ thế kỷ thứ IX này đã được xem như một minh chứng cho việc cây cà phê có khả năng sinh ra từ Ethiopia hoặc Yemen. Và chính từ “coffee”- nghe tương tự như vùng “Kaffa” của Ethiopia, khiến cho lịch sử bất chấp thừa nhận rằng thuật ngữ cà phê bắt nguồn từ đó. Câu chuyện Kaldi lần đầu tiên xuất hiện ở châu Âu vào năm 1671 (J. Morris, 2019), cùng với truyền thuyết này, nhân và lá cà phê được gọi là Bunn, lúc đầu chỉ được nhai một cách giản đơn.
Nhưng người Ethiopia đã nhanh chóng tiếp cận các cách thức khác để lấy được caffeine trong đó. Họ đun lá và quả cà phê trong nước sôi. Họ tán nhân cà phê thành bột và trộn nó với mỡ động vật để làm ra món ăn nhẹ, bổ sung năng lượng. Tiếp tục, họ làm ra một loại đồ uống bằng cách rang vỏ quả cà phê gọi là Qishr (một số tài liệu cho rằng đây là cách làm của các giáo sĩ Sufi, người Ả Rập) ngày nay gọi là Kisher. Và cuối cùng, vào thế kỷ XVI, ai đó đã rang cà phê nhân, nghiền ra và làm thành một thứ trà thảo mộc như chính loại cà phê chúng ta có ngày nay.
Sự phát tán cây cà phê
Chắc chắn rằng việc phát hiện ra thức uống cà phê đã dẫn đến việc trồng loại cây này ở vùng Abyssinia và ở Ả Rập, nhưng sự phát triển của nó rất chậm cho đến thế kỷ XV và XVI. Cho đến cuối thế kỷ XV những người hành hương Hồi Giáo đã mang cà phê đi kháp thế giới Hồi Giáo ở Ba Tư, Ai Câp, Thổ Nhĩ Kỳ và bắc Phi, biến nó thành một món hàng sinh lợi. Mặc dù ban đầu được coi như một thức uống hoặc một thứ nước phục vụ mục đích tôn giáo, cà phê đã nhanh chóng đi vào cuộc sống hàng ngày. Vì cà phê đã trở thành nguồn thu chính, người Thổ sinh đố kỵ và giữ canh tác độc quyền cây cà phê ở Yemen. Không có quả cà phê nào “xuất cảnh” mà không bị luộc hoặc rang để tránh nảy mầm bên ngoài biên giới Ả Rập.
Đến thế kỷ 16, cà phê lan rộng khắp Trung Đông, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi nhờ các tuyến đường thương mại và sự phổ biến của các quán cà phê. Những quán này không chỉ là nơi thưởng thức đồ uống mà còn trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, học thuật và thương mại. Từ Trung Đông, cà phê nhanh chóng vượt qua biên giới vào châu Âu thông qua các thương nhân Venice vào thế kỷ 17. Ban đầu bị hoài nghi và thậm chí bị cấm, cà phê dần chiếm được cảm tình và trở thành thức uống phổ biến trong tầng lớp thượng lưu và học giả châu Âu.

Trong cùng thời gian, các quốc gia thực dân châu Âu đã đưa cây cà phê đến các thuộc địa của mình. Người Hà Lan là những người đầu tiên trồng cà phê ở ngoài bán đảo Ả Rập, tại Java (Indonesia) vào cuối thế kỷ 17, biến nơi đây thành một trong những trung tâm sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Tiếp nối, người Pháp mang cây cà phê đến vùng Caribbean, người Tây Ban Nha đưa nó đến Trung và Nam Mỹ, và người Bồ Đào Nha phát triển cây cà phê tại Brazil vào thế kỷ 18. Brazil sau đó trở thành nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, giữ vững vị trí này đến tận ngày nay.
Qua các thế kỷ, cây cà phê đã chinh phục gần như mọi lục địa, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và kinh tế toàn cầu. Từ nguồn gốc nhỏ bé ở Ethiopia, hành trình của nó đã kết nối các nền văn hóa và góp phần vào sự hình thành mạng lưới giao thương quốc tế.